A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Chợ Đồn triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh não mô cầu

Trước tình hình xuất hiện một số ca dương tính với não mô cầu trên địa bàn tỉnh và có 02 bệnh nhân đã tử vong, Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh não mô cầu nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện, phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ và tổ chức điều tra, giám sát kịp thời, không để dịch lây lan trong cộng đồng.

 Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị trực tuyến, gấp rút triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh này não mô cầu vào chiều 12/6. Ảnh Báo Bắc Kạn.

Ông La Đức Cường, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Chợ Đồn cho biết: Sau khi có văn bản chỉ đạo của Sở y tế về việc thực hiện các phương án phòng, chống dịch bệnh não mô cầu. Trung tâm y tế huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai phương án sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất đảm bảo công tác điều tra, giám sát, cách ly, xử lý phù hợp, khẩn trương, hiệu quả đối với dịch bệnh do não mô cầu.

Theo Kế hoạch số 848/KH-TTYT ngày 17 tháng 6 năm 2024 của Trung tâm y tế huyện, ngành y tế huyện Chợ Đồn sẽ bám sát vào sự chỉ đạo của tuyến trên và triển khai đúng phương án “4 tại chỗ” phòng chống dịch bệnh não mô cầu. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện cơ cấu tổ chức hệ thống giám sát từ huyện đến các xã, thị trấn nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phòng chống dịch não mô cầu, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh não mô cầu hiệu quả.

Tăng cường công tác truyền thông về đường lây truyền, dấu hiệu nhận biết, các biện pháp phòng, chống bệnh do não mô cầu trên các phương tiện thông tin và bằng nhiều hình thức để người dân dễ dàng tiếp cận. Thực hiện  giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc các bệnh do vi khuẩn não mô cầu, đặc biệt lưu ý các trường hợp có biểu yếu tố dịch tễ liên quan đến ca bệnh xác định trong thời gian 07 ngày trước khởi phát cho đến 24 giờ sau khi bệnh nhân được dùng kháng sinh đặc hiệu.  Khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, tổ chức điều tra xác minh ngay. Đảm bảo việc điều tra dịch tễ kỹ lưỡng, chất lượng, thực hiện cách ly, theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 10 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối.

 Tổ chức tiến hành lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ để phát hiện sớm và xử lý triệt để không để dịch bùng phát. Đảm bảo những người có dấu hiệu nghi ngờ mắc não mô cầu được uống thuốc dự phòng đầy đủ, kịp thời.  Thực hiện phun khử khuẩn, vệ sinh môi trường tại nhà, nơi lưu trú của bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định. Duy trì đội cơ động phòng chống dịch tại đơn vị; sắp xếp nhân lực hợp lý đảm bảo đủ thành phần (dịch tễ, xét nghiệm, xử lý môi trường, hậu cần, phối hợp với khối điều trị tăng cường thêm cán bộ lâm sàng). Chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, trang thiết bị cần thiết, sẵn sàng ứng phó một cách có hiệu quả khi phát hiện ca bệnh do não mô cầu.  Thực hiện báo cáo theo Thông tư 54/TT-BYT ban hành ngày 28/12/2015 về việc Hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Huyện Chợ Đồn triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh não mô cầu.

Bộ Y tế hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh do não mô cầu:

Bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên từ 14 đến 20 tuổi, những người sống trong khu vực tập thể đông người (nhà trẻ, trường học, chung cư…) và các cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, hay gặp vào mùa đông - xuân. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis. Vi khuẩn não mô cầu được chia thành 13 nhóm huyết thanh, trong đó có 6 nhóm: A, B, C, W-135, X và Y có khả năng gây dịch. Vi khuẩn có sức đề kháng yếu: Bên ngoài cơ thể chỉ sống được vài giờ, bị diệt ở 56 độ C trong 30 phút hoặc ở 60 độ C trong 10 phút. Vi khuẩn dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn, tẩy rửa thông thường.

Triệu chứng và đường lây truyền của bệnh não mô cầu: Ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là người. Thời gian ủ bệnh từ 2 - 10 ngày, thông thường từ 3 - 4 ngày. Thời kỳ lây truyền của bệnh tùy thuộc vào thời gian tồn tại của vi khuẩn não mô cầu ở mũi, họng của người nhiễm khuẩn. Đối với người bệnh, khả năng lây truyền có thể từ vài ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến 24 giờ sau khi được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.

     Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn (người bệnh và người lành mang trùng). Lây truyền qua đồ vật ít khi xảy ra. Triệu chứng bệnh thường bao gồm: Sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn…

Phòng bệnh do não mô cầu: Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng. Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc. Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh tại các cơ sở y tế. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh não mô cầu nhóm A, B và C. 

 

Tác giả: Nông Đuổng

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật