A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ Đồn tiếp tục duy trì và phát triển cây đào toáng

Cây đào là cây trồng phổ biến của người dân trong huyện, đào có thể trồng trên diện tích đất đồi, soi bãi, đất tận dụng trong vườn, ven sân nhà. Đào phai, đào bích là hai loại giống cây phổ biến được trồng với mục đích để ngắm hoa vào mùa xuân; Đào toáng là cây trồng cho thu hoạch quả, đây là loại cây ăn quả từ ngàn đời xưa đã có và hiện vẫn đang mang lại những lợi ích thiết thực cho người trồng đào.

Quả đào tươi khi ăn có vị giòn, ngọt thanh, chua dịu
Theo số liệu thống kê huyện Chợ Đồn có hơn 4,0 ha diện tích trồng đào tập trung trong đó có 1,0 ha cây đang cho thu hoạch quả. Diện tích trồng đào toáng ăn quả chủ yếu tập trung tại thôn vùng cao Bản Lồm, xã Nam Cường, thôn Nà Lịn, xã Tân Lập. Đánh giá của đơn vị chuyên môn ngành nông nghiệp cho thấy thời tiết năm nay tương đối thuận lợi cho cây ăn quả sinh trưởng, phát triển. Cùng với việc áp dụng kỹ thuật trong thâm canh, chăm sóc cải tạo cây đào toáng vụ quả này cho sản lượng ước đạt hơn 1,0 tấn.
Những ngày này, người trồng đào toáng tại các thôn Bản Lồm, xã Nam Cường, thôn Nà Lịn, xã Tân Lập đang phấn khởi thu hoạch đào, bởi đào năm nay được giá. Với trọng lượng 1,0 kg từ 06-10 quả tùy loại, có giá giao động từ 25.000 đồng – 45.000 đồng; đây cũng là mức giá cao nhất cho sản phẩm quả đào toáng của Chợ Đồn từ trước đến nay.
Ông Triệu Hữu Quan, thôn Nà Lịn, xã Tân Lập chia sẻ: Từ sở thích trồng đào để ngắm hoa và ăn quả, gia đình đã lựa chọn những cây giống đào toáng từ các cây lâu năm tại thôn Bản Lồm, xã Nam Cường và một số cây trên địa bàn huyện Ba Bể để nhân giống trồng tại khu đất đồi, hiện tại gia đình có 35 cây đào toáng 5 năm tuổi cho thu hoạch quả. Tháng 6 – 7 hàng năm là thời gian quả chín rộ, năm nay trong khoảng hơn một tuần đã bản hết số quả tại vườn. Phần lớn lượng quả là do thương lái đến mua, một số cây đã được đặt mua toàn bộ quả khi đến kỳ thu hoạch ngay từ đầu vụ, một phần là bán lẻ. Ước tính sản lượng quả năm nay thu hoạch được hơn 3,0 tạ quả tươi, tổng thu đạt hơn 13 triệu đồng. Đây là phần kinh phí tăng thu nhập cho gia đình và có nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho việc sản xuất quả vụ tiếp theo.
Ông Quan cho biết thêm: Cây đào toáng rất phù hợp trong điều kiện khí hậu tại vùng núi cao, cây trồng sau 3 năm đã cho thu hoạch quả thành phẩm. Trong suốt quá trình cây sinh trưởng phát triển người trồng đào không mất quá nhiều công chăm sóc cho cây và không sử dụng các loại thuốc trừ sâu hóa học. Tới kỳ thu hoạch, thu hái quả thủ công sắp xếp cẩn thận để vận chuyển tới tay người tiêu dùng. Những năm gần đây, sản phẩm quả đào toáng của huyện được người tiêu dùng rất ưa chuộng, với đặc trưng của quả chín khi ăn người dùng sẽ cảm nhận được vị giòn của quả tươi, vị thơm, vị ngọt thanh xen lẫn vị chua dịu và mùi hương đặc trưng. Đây cũng là hương vị riêng của cây đào toáng tại Chợ Đồn.
Hiện nay, huyện Chợ Đồn đang thực hiện Đề tài “Nghiên cứu và phát triển cây Đào Toáng tại thôn Bản Lồm, xã Nam Cường huyện Chợ Đồn”, từ năm 2020-2024 do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Đồn làm đơn vị chủ trì. Đã tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng cây đào toáng địa phương của 60 hộ tại xã Nam Cường và xã Tân Lập. Qua quá trình nghiên cứu, cải tạo cây đào toáng đơn vị chủ trì Đề tài là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Đồn phối hợp với Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng –  Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bắc Kạn xây dựng tài liệu, kỹ thuật nhân giống, thâm canh cây đào toáng và tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho 28 hộ tham gia thực hiện đề tài.

 Người trồng đào thôn Nà Lịn, xã Tân Lập thu hoạch quả khi đến thời kỳ chín.

Năm 2021, đơn vị chủ trì tiến hành hướng dẫn 18 hộ chăm sóc, làm cỏ, bón phân, cắt tỉa 40 cây đào cải tạo; thực hiện vườm ươm, nhân giống bằng phương pháp ghép cành và trồng mới 3,0 ha/18 hộ tại thôn Bản Lồm, xã Nam Cường; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn đã công nhận 06 cây đào toáng đầu dòng tại thôn Bản Lồm, xã Nam Cường đây là những cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng xuất chất lượng cao, mức độ nhiễm bệnh hại thấp. Những cây đầu dòng được công nhận để khai thác mắt, cành để ghép, nhân giống phục vụ cho mô hình trồng mới 03 ha, đúng giống cây đào toáng bản địa.
 Đề tài “Nghiên cứu và phát triển cây Đào Toáng tại thôn Bản Lồm, xã Nam Cường huyện Chợ Đồn” đang tiếp tục triển khai thực hiện sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển cây ăn quả đặc sản của địa phương quả đào toáng.
Quả đặc sản tại huyện Chợ Đồn đang có tiếng với sản phẩm quả Hồng không hạt trong Vùng chỉ dẫn địa lý Hồng không hạt Bắc Kạn (các xã: Xuân Lạc, Nam Cường, Đồng Lạc, Quảng Bạch, Tân Lập, Ngọc Phái); Sản phẩm quả Quýt trong Vùng chỉ dẫn địa lý “Bắc Kạn” (các xã: Đồng Thắng, Phương Viên) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Bắc Kạn” năm 2010, 2012. Đây là những loại quả đã và đang được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Với tiềm năng lợi thế đất đai của huyện, sự nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự nhiệt tình tâm huyết hướng dẫn kỹ thuật sản xuất của các cơ quan đơn vị chuyên môn ngành nông nghiệp, sự vào cuộc của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất hướng đến những cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường sẽ thúc đẩy phát triển sản phẩm quả đào toáng có tên trong những quả đặc sản của huyện Chợ Đồn được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, tin dùng./.
Tác giả: Hà Thị Thanh Nga, Phòng Nông nghiệp và PTNT

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật