A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyên truyền, hướng dẫn chăm sóc cây hồng không hạt sau thu hoạch

Cây hồng không hạt là cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao và được trồng tập trung tại các xã Quảng Bạch, Đồng Lạc, Nam Cường, Tân Lập, Ngọc Phái với tổng diện tích 141ha trong đó có 99ha đang cho thu hoạch quả, sản lượng đạt 445,5 tấn.

 Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn người dân cắt tỉa cành, tạo tán cho cây hồng không hạt.

Hiện nay cây hồng không hạt đã thu hoạch xong, để giúp cây hồng nhanh chóng phục hồi, góp phần tăng năng suất, chất lượng của năm tiếp theo, ngày 12/12/2023 Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng tỉnh đã ban hành văn bản số 446/TT,BVTV&QLCL đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật sau:

 Vệ sinh vườn cây: Thu gom, xử lý tàn dư cây trồng như quả và lá rụng để giảm nguồn phát sinh sâu bệnh hại cho vụ sau:  Đốn tỉa, đốn tạo hình, tạo tán: Thực hiện từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau (đốn đông). Cắt sát gốc cành để loại bỏ các cành tăm, cành yếu, cành có vết bệnh. Tỉa thưa, tạo tán mọc cân đối giúp cây sinh trưởng tốt và sử dụng ánh sáng có hiệu quả.  Với những cành khoẻ, cắt phía trên nơi đã có quả, để lại 1-2 mầm làm cành mẹ cho năm sau, ở cành gốc chọn 1-2 cành mẹ khoẻ nhất. Sau khi đốn đông, sử dụng nước vôi quét vào gốc cây từ mặt đất lên độ cao khoảng 1-1,2m để hạn chế các loài sâu bệnh hại trú ngụ ở đó.Với những cây quá cao, áp dụng biện pháp đốn đau bằng cách cắt bớt phần ngọn cây để hạ thấp độ cao để dễ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch.

 Bón phân phục hồi: Liều lượng (kg/cây): Từ 30-50kg phân chuồng hoai mục hoặc 3-5kg phân hữu cơ vi sinh. Hoặc 10 - 50 kg phân chuồng hoai mục + 0,15 - 0,72 kg đạm ure + 0,4 - 1,36 kg lân supe + 0,125 - 0,4 kg kaly Clorua (lượng phân bón tùy thuộc tuổi cây, sản lượng quả năm trước).

 Cách bón: Bón 1 lần vào thời điểm tháng 12 hoặc tháng 01 hàng năm. Đào rãnh sâu 20cm, rộng 20cm quanh tán, bón phân và lấp đất. Cần tưới nước đủ ẩm cho đất trước và sau khi bón.

Bên cạnh việc tuyên truyền về kỹ thuật, cán bộ chuyên môn cấp huyện, xã cần thường xuyên bám sát địa bàn, thực hiện tốt công tác điều tra, dự tính, dự báo sâu, bệnh hại trên cây hồng không hạt; hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ kịp thời; trong đó, cần căn cứ vào diễn biến thời tiết, giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây hồng để có hướng dẫn phù hợp, đặc biệt là bệnh thán thư để hạn chế hiện tượng rụng quả ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng./.

Tác giả: Ánh Nguyệt - Phòng NN&PTNT


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật