A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đánh giá thực hiện Nghị quyết số 01, ngày 10/8/2021 của Hội đồng nhân dân huyện sau gần 03 năm triển khai

       Thực hiện Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 của Hội đồng nhân dân huyện Chợ Đồn về việc thông qua cơ chế, chính sách, kinh phí thực hiện Đề án khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, ngựa và phát triển trâu bò sinh sản trên địa bàn huyện Chợ Đồn, giai đoạn 2021-2025. Uỷ ban nhân dân huyện ban hành Quyết định số 1854/QĐ-UBND ngày 29/7/2021 về việc phê duyệt Đề án khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, ngựa và phát triển trâu bò sinh sản trên địa bàn huyện Chợ Đồn, giai đoạn 2021-2025. Sau gần 03 năm thực hiện, Đề án đã đạt được hiệu quả nhất định. Nhằm đánh giá kết quả thực hiện Đề án khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, ngựa và phát triển trâu bò sinh sản trên địa bàn huyện Chợ Đồn giai đoạn 2021-2023; nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2024 – 2025, huyện đã tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện.

Huyện Chợ Đồn tổ chức sơ kết đánh giá thực hiện Nghị quyết số 01, ngày 10/8/2021 của Hội đồng nhân dân huyện Chợ Đồn.

Triển khai thực hiện Đề án

         Hàng năm, Ủy ban nhân huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cụ thể từng năm, trong đó, nêu rõ mục tiêu và phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Đồng thời, Uỷ ban nhân dân huyện cũng thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các hộ tham gia thực hiện Đề án. Giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai; tổng hợp các nội dung thực hiện và nhu cầu kinh phí của các xã, thị trấn; tham mưu, trình UBND huyện phê duyệt và cấp kinh phí cho các đơn vị thực hiện. UBND các xã, thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, ngựa và phát triển trâu bò sinh sản trên địa bàn huyện Chợ Đồn, giai đoạn 2021-2025; phân công thành viên BCĐ phụ trách các thôn, bản phối hợp với công chức chuyên môn triển khai, tuyên truyền, vận động các hộ đăng ký tham gia đề án và kiểm tra, đôn đốc các hộ tham gia thực hiện.

        Đề án khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, ngựa và phát triển trâu bò sinh sản trên địa bàn huyện Chợ Đồn, giai đoạn 2021-2025 được triển khai thực hiện bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực. Qua gần 03 năm triển khai thực hiện, Đề án đã góp phần nâng tổng đàn gia súc của huyện; tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có nguồn vốn để phát triển chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình, hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững.

Đồng chí Đặng Đình Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại Hội nghị sơ kết.

Những con số cụ thể hiệu quả của Đề án

      Tổng số hộ thực hiện Đề án năm 2021-2023 là 89 hộ; trong đó có 77 hộ chăn nuôi trâu, bò sinh sản, 12 hộ nuôi vỗ béo trâu, bò, ngựa. Hỗ trợ đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo nuôi trâu, bò sinh sản, mỗi hộ được hỗ trợ tối đa cụ thể: Đối với bò 03 con cái hoặc 01 con đực; đối với trâu 02 con cái hoặc 01 con đực, hỗ trợ chi phí mua con giống 15 triệu đồng/con, tương ứng với 63%; Hỗ trợ 70% chi phí mua vật tư...Hỗ trợ nuôi ngựa vỗ béo, tối thiểu từ 05 con đến tối đa 10 con. Hỗ trợ 70% chi phí mua vật tư.  Các hộ khác ngoài hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo nếu nuôi trâu, bò vỗ béo tối thiểu từ 05 con đến tối đa 20 con; Nuôi ngựa vỗ béo tối thiểu từ 05 con đến tối đa 10 con, được hỗ trợ 70% chi phí mua vật tư.  Các tổ chức nuôi trâu, bò vỗ béo từ 20-250 con, thì Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí mua vật tư ...

       Với số lượng 173 con trâu, bò sinh sản được hỗ trợ ban đầu (gồm con 03 đực giống và 170 cái sinh sản), đến nay đã sinh sản được 113 con bê nghé, nâng tổng đàn lên 284 con; trong đó số trâu, bò đang chửa là 30 con. Đối với nội dung vỗ béo trâu, bò, ngựa: các hộ tham gia thực hiện Đề án có 87 con/12 hộ/07 xã; hiện nay các hộ vẫn duy trì thực hiện việc nhập đàn và xuất bán...Giai đoạn 2021-2023, Đề án đã hỗ trợ 173 con trâu, bò sinh sản ban đầu , sau gần 03 năm thực hiện, số bê nghé được sinh ra là 113 con, sau nuôi từ 6-8 tháng, bê nghé có giá trị khoảng 15 triệu đồng/con, thu nhập trên  01 tỷ  600 triệu đồng nếu bán 113 con bê, nghé. Tổng kinh phí thực hiện Đề án từ năm 2021-2023 4.848.822.480 đồng; trong đó, Ngân sách nhà nước hỗ trợ 2.828.043.480 đồng, người dân đóng góp 2.020.779.000 đồng.

      Số hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia thực hiện Đề án năm 2021-2023 đạt và vượt kế hoạch. Các hộ được tiếp cận khoa học kỹ thuật, thực hiện theo đúng quy trình chăn nuôi, duy trì diện tích trồng cỏ và chăm sóc tốt đàn vật nuôi; chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ chăn thả tự do sang bán chăn thả nên giảm được công lao động và kiểm soát được vấn đề dịch bệnh, hạn chế được rủi ro trong chăn nuôi. Một số hộ chăm sóc và quản lý tốt đàn trâu bò, đã nâng tổng đàn từ 2-3 con được hỗ trợ ban đầu lên 6-8 con/hộ; số bê nghé được sinh ra có con đã được xuất bán, đem lại nguồn thu nhập cho bà con.

Đồng chí Ma Thị Na, Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện phát biểu tại Hội nghị sơ kết.

     Qua gần 03 năm triển khai thực hiện, Đề án đã góp phần nâng tổng đàn gia súc của huyện; tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có nguồn vốn để phát triển chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình, hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững.  Một số xã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án như: Xuân Lạc, Nam Cường, Quảng Bạch, Đồng Lạc, Tân Lập, Bản Thi, Bằng Phúc, Phương Viên, Bình Trung. Số hộ thoát nghèo sau khi tham gia đề án tính đến năm 2022 có 16/125 hộ KH, đạt 12,8%; một số hộ đã đăng ký thoát nghèo trong năm 2023, hiện nay các xã, thị trấn đang thực hiện rà soát. Đối với hiệu quả về môi trường, các hộ chăn nuôi được hướng dẫn kỹ thuật ủ phân chuồng hoai mục, tạo hệ vi sinh vật có ích chống lại nấm bệnh cho đất và đặc biệt phân không còn mùi hôi thối; cung cấp số lượng lớn phân bón hữu cơ hàng năm cho cây trồng. Duy trì diện tích trồng cỏ khoảng 9-10 ha, chủ yếu các hộ trồng cỏ voi, cỏ sả Ghine; ngoài ra, một số hộ tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm để phơi khô, thân lá ngô để ủ chua, dự trữ thức ăn trong mua đông cho đàn trâu, bò. Diện tích trồng cỏ tại một số xã được các hộ chăn nuôi thường xuyên duy trì và chăm sóc tốt như: Xuân Lạc, Tân Lập, Quảng Bạch, Bản Thi, Yên Thịnh, Phương Viên.

 Các mô hình chăn nuôi vỗ béo trâu, bò và phát triển trâu bò sinh sản triển khai tại các xã đem lại nguồn thu nhập cho bà con.

         Những khó khănthách thứcnhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2024 – 2025

       Theo đánh giá, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới và suy giảm kinh tế trong nước, tình hình dịch bệnh trên vật nuôi có nhiều diễn biến phức tạp, thời tiết thay đổi bất thường… gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện. Thị trường tiêu thụ và giá trâu bò thịt trong những năm gần đây giảm mạnh, đa số các hộ vỗ béo quy mô nhỏ, nuôi cầm chừng từ 2-3 con/đợt nên không đáp ứng được theo yêu cầu của Đề án (quy mô tối thiểu từ 5 con trở lên).  Diện tích bãi chăn thả ngày càng thu hẹp; diện tích trồng cỏ vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, mỗi hộ trồng từ 1.000 – 2.000 m2 chỉ đủ đáp ứng nhu cầu thức ăn xanh cho 2-5 con trâu, bò nên khó khăn trong việc phát triển chăn nuôi quy mô số lượng lớn. Nội dung hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo nuôi vỗ béo ngựa không thực hiện được, do các hộ thuộc đối tượng này không có nguồn vốn để đầu tư.  Chưa có HTX thực hiện chuỗi liên kết nuôi vỗ béo trâu bò thịt gắn với tiêu thụ sản phẩm.

     Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở; sự phối hợp tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương; sự ủng hộ, đồng tình của bà con nhân dân; sau gần 03 năm triển khai thực hiện Đề án khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, ngựa và phát triển trâu bò sinh sản, đã góp phần tăng tổng đàn gia súc và giá trị kinh tế cho ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện; đời sống nhân dân từng bước cải thiện và nâng cao.

Một số hộ chăm sóc và quản lý tốt đàn trâu bò, đã nâng tổng đàn từ 2-3 con được hỗ trợ ban đầu lên 6-8 con/hộ.

         Huyện đã đề ra nhiệm vụ giải pháp tiếp tục thực hiện Đề án, khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương có địa hình, diện tích tự nhiên phù hợp với chăn nuôi đại gia súc; hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo phát triển chăn nuôi trâu bò sinh sản; thúc đẩy các hộ, tổ chức nuôi vỗ béo trâu bò ngựa quy mô lớn, hướng tới mục tiêu tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, góp phần ổn định kinh tế - chính trị - xã hội của địa phương. Tiếp tục tuyên truyền vận động các hộ, tổ chức tham gia thực hiện Đề án; mỗi năm ít nhất có 20 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được tiếp cận chính sách, nuôi trâu bò sinh sản với quy mô số lượng 40-60 con (kế hoạch mỗi năm 20 hộ, dự phòng thêm 20 hộ). Phấn đấu mỗi địa phương có ít nhất 01 mô hình nuôi trâu, bò, ngựa vỗ béo theo hướng thâm canh.  Phấn đấu thành lập từ 01 HTX hoạt động liên kết giữa các hộ chăn nuôi trâu, bò, ngựa; tiến tới hình thành phát triển vùng chăn nuôi, tạo việc làm ổn định và thoát nghèo bền vững cho các hộ sau khi tham gia dự án.  

       Tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cỏ cho gia súc; thay đổi từ tập quán chăn nuôi truyền thống, chăn thả phụ thuộc vào tự nhiên sang hình thức nuôi bán chăn thả đối với trâu bò sinh sản và nuôi nhốt hoàn toàn đối với trâu bò thịt; chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ, hộ gia đình thành các gia trại, trang trại, Tổ hợp tác, Tổ hợp tác xã liên kết sản xuất chăn nuôi, thành vùng sản xuất hàng hóa. Tiếp tục duy trì và phát triển đối với chăn nuôi trâu, bò sinh sản, để khi thị trường mở cửa trở lại thì có nguồn con giống để chuyển sang nuôi vỗ béo.  Ưu tiên, khuyến khích các hộ nuôi giống bò lai, cải tạo con giống có năng suất và chất lượng tốt.

     Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, duy trì tổng đàn trâu, bò, ngựa trên 8.000 con, phấn đấu mỗi năm vỗ béo xuất chuồng trên 1.000 con/năm; sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 200 tấn/năm; tăng giá trị chăn nuôi trâu, bò, ngựa trên 20 tỷ đồng/năm. Đối với chăn nuôi trâu, bò sinh sản đến năm 2025 ước có khoảng 900 bê, nghé được sinh ra.  Mỗi địa phương có ít nhất 01 mô hình nuôi trâu bò vỗ béo theo hướng thâm canh, khoảng 125 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được tiếp cận chính sách và thoát nghèo bền vững; 300 hộ gia đình, 10 tổ chức được tiếp cận chính sách. Phấn đấu thành lập từ 01 HTX hoạt động liên kết giữa các hộ chăn nuôi trâu, bò, ngựa, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ chăn nuôi vỗ béo, bán chăn thả sang hình thức nuôi nhốt hoàn toàn./.

 

Tác giả: Hoàng Lan


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật