A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mô hình nuôi chim bồ câu lai Pháp cho thu nhập ổn định

Với lợi thế về quỹ đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi, gia đình anh Phùng Văn Chung và chị Nguyễn Thị Kết ở thôn Nà Óc,  xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn đã phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình nuôi chim bồ câu lai Pháp thương phẩm, cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ hiệu quả kinh tế mang lại gia đình anh, chị  tiếp tục duy trì, phát triển đem lại thu nhập ổn định.

 Chị Kết đang chăm sóc đàn chim.

Dẫn chúng tôi thăm quan khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình, chị Kết chia sẻ: năm 2019 hai vợ chồng về quê chị là Bắc Giang để học hỏi cách nuôi chim bồ câu lai Pháp, tuy nhiên đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát việc đi lại khó khăn, đến năm 2020 hai vợ chồng anh chị mới lấy được chim giống về nuôi, ở Chợ Đồn chưa có ai nuôi nên việc học hỏi kinh nghiệm rất khó khăn. Khi tìm hiểu cách nuôi bồ câu lai Pháp, anh chị được bà con người nhà ở Bắc Giang cho biết giống này chuyên thịt, có sức đề kháng cao, tỷ lệ sống đạt từ 95-99%, trọng lượng chim thương phẩm đạt khá (khoảng 600g/con). Đặc biệt, giá bán ngoài thị trường cũng cao hơn so với giống thông thường 10.000 -15.000 đồng/đôi. Anh, chị đã dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật qua sách, báo, trên ti vi và thăm quan mô hình cho hiệu quả kinh tế ở một số nơi.

Anh Chung cho biết: để nuôi chim bồ câu Pháp thực sự hiệu quả thì khâu chọn giống là quan trọng nhất. Do đó, phải chọn những con chim giống khỏe mạnh, lông mượt, hoạt động nhanh nhẹn và không có dị tật. Đối với chuồng trại, cần phải lưu ý ánh sáng vừa đủ, luôn đảm bảo khô ráo và sạch sẽ, phun khử trùng thường xuyên khu chuồng trại để giảm mùi hôi thối. Việc thiết kế, vệ sinh chuồng trại anh luôn đặt lên hàng đầu, thực hiện đảm bảo các quy trình, thu gom phân chuồng ủ với vỏ trấu cung cấp cho bà con bón cho cây trồng, nên chuồng trại luôn gọn gàng, đảm bảo vệ sinh. Chế độ ăn, cần cho chim ăn đầy đủ dinh dưỡng để chim sinh sản đều đặn, sử dụng các loại men vi sinh trộn lẫn vào thức ăn, nước uống, tăng sức đề kháng của vật nuôi. Người nuôi chim cũng cần phải chịu khó quan sát hàng ngày để phát hiện kịp thời những biểu hiện về dịch hay những biểu hiện bất thường khác của đàn chim để có những biện pháp điều chỉnh trong việc chăm sóc, đảm bảo điều kiện cho đàn chim sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài việc chú trọng các đợt uống vắc xin phòng bệnh cho chim, anh còn trang bị hệ thống làm mát để điều hòa nhiệt độ khi thời tiết ngoài trời nắng nóng, che chắn gió lạnh khi mùa đông về.  Sau hơn 2 năm thực hiện mô hình, anh thấy giá trị kinh tế thu được từ nuôi chim bồ câu lai Pháp cao hơn so với một số loại vật nuôi khác.

Đàn chim bồ câu gia đình anh Chung, chị Kết được chăm sóc phát triển tốt.

Bằng sự kiên trì, ham học hỏi của mình, ban đầu chỉ có 50 đôi chim sinh sản, đến nay gia đình anh, chị Chung Kết đã nhân rộng lên hơn 600 đôi. Mỗi tháng gia đình anh xuất chuồng 3,4 đợt, mỗi đợt từ 200-300 con. Toàn bộ số lượng chim thương phẩm của gia đình anh đều được các thương lái trong tỉnh và một số tỉnh, thành như: Thái Nguyên, Bắc Giang đặt mua. Bình quân mỗi năm, gia đình anh xuất ra thị trường hơn 7.000 con chim bồ câu thương phẩm, với giá bán dao động 50.000- 70.000 đồng/con, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 160 đến 200 triệu đồng. Ngoài nuôi chim thương phẩm, hằng năm anh Chung còn xuất chuồng chim bồ câu giống để cung ứng cho người dân trên địa bàn và các huyện lân cận trong tỉnh. Thịt chim bồ câu rất được ưa chuộng do đây nguồn thực phẩm bổ dưỡng, bởi thế, số chim thịt và chim giống của gia đình anh luôn được xuất ra thị trường thuận lợi.

Mô hình nuôi chim bồ câu lai Pháp của gia đình anh Phùng Văn Chung thôn Nà Óc, xã Bình Trung huyện Chợ Đồn là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, cần được nhân rộng để Nhân dân tận dụng lợi thế của địa phương, phát triển chăn nuôi bền vững./.

Tác giả: Hà Tuyết- VHTT


Tin liên quan