A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Chợ Đồn đẩy mạnh Chuyển đổi số trong cải cách hành chính

Nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc của công dân, tổ chức, doanh nghiệp, huyện ChợĐồn đã đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) gắn với Chuyển đổi số. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết công việc, từng bước nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.

 Đoàn kiểm tra CCHC kiểm tra công tác CCHC tại xã Yên Thịnh.

Tập trung Chuyển đổi số trong CCHC

Để đáp ứng các yêu cầu về Chuyển đổi số trong CCHC, UBND  huyện đã ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công nghệ và tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về chuyển đổi số, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện từ. Bên cạnh đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đội ngũ công chức, viên chức thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức về công nghệ nhằm theo kịp tiến trình về Chuyển đổi số; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá sự hài lòng của người dân tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND huyện và của UBND các xã, thị trấn.

Về hạ tầng CNTT, huyện đã đầu tư máy tính cơ bản đáp ứng cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước. Số mấy tính thuộc các cơ quan, phòng, ban trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện là 91 bộ. Tỷ lệ máy tính được kết nối Internet đạt 100% (trừ máy tính phục vụ công tác soạn thảo văn bản mật). Tổng số máy tính trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức đạt 100%; tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức biết sử dụng và sử dụng thành thạo máy tính trong công tác chuyên môn đạt 100%; 100% máy tính sử dụng trong công việc được cài đặt phần mềm diệt virus bản quyền; 100% các cơ quan, đơn vị của huyện có kết nối Internet băng thông rộng và có kết nối mạng LAN.

 Tại cấp xã tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức, cơ bản các xã đã đạt 01 người/ máy tính; tỷ lệ cán bộ công chức cấp xã biết sử dụng và sử dụng thành thạo máy tính trong công tác chuyên môn đạt 100%; 100% Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn có kết nối Internet băng thông rộng và có kết nối mạng LAN; 100% các cơ quan nhà nước đều sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng.

 Đến nay, 100% công chức, viên chức đều được trang bị máy tính có kết nối Internet để thực hiện công việc.

Đối với Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả (TN&TKQ) của UBND huyện và UBND các xã thị trấn đều được đầu tư đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Điển hình như Bộ phận TN&TKQ UBND huyện đã được đầu tư phòng làm việc có diện tích khoảng 80m2; 10 quầy giao dịch; 05 bộ máy tính; 02 máy in; 01 máy photo đa chức năng; 01 bộ bàn, ghế để người dân chuẩn bị hồ sơ; 04 ghế ngồi chờ, UBND huyện phân công 06 người. Bên cạnh đó, đã triển khai giải pháp “Ngày không giấy hẹn” và “Ngày dịch vụ công trực tuyến” của Bộ phận TN&TKQ huyện Chợ Đồn để nâng cao hoạt động tiếp nhận và giải quyết TTHC.

Tính đến ngày 30/11/2023, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện đã tiếp nhận 2.545 hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó hồ sơ liên thông là 1.493 hồ sơ; Hồ sơ tiếp nhận trực tiếp 123 hồ sơ; hồ sơ tiếp nhận online 929 hồ sơ; đã trả kết quả 680 hồ sơ; chưa có kết quả 404 hồ sơ (đang trong hạn xử lý); trả kết quả qua dịch vụ Bưu chính công ích 50 hồ sơ. Trong năm không có phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức liên quan đến quy định thủ tục hành chính.

Thực hiện chuyển đổi số, huyện cũng đã khai trương Dự án xây dựng hệ thống camera an ninh và Trung tâm điều hành thông minh huyện Chợ Đồn; nâng cấp hệ thống mạng LAN của huyện; triển khai thí điểm một số ứng dụng, phần mềm phục vụ hoạt động chuyển đổi số (hệ thống họp không giấy tờ, hệ thống hoá lưu trữ hồ sơ, Hệ thống an sinh xã hội, thanh toán không dùng tiền mặt, Chợ 4.0); Hệ thống phần mềm VNPT – iOffice... Đến nay, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của huyện hoàn toàn dưới dạng điện tử, ký số đúng quy định đạt khoảng 95%; 100% cán bộ, công chức, viên chức đều được cấp thư điện tử công vụ, tỷ lệ sử dụng thường xuyên thư điện tử công vụ đạt trên 85%.

Huyện cũng tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm để phục vụ. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tăng cường hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Đồng thời, tiếp tục theo dõi đánh giá sự hài lòng của người dân, lắng nghe ý kiến người dân để có cơ sở khách quan cho việc cung ứng dịch vụ công đảm bảo lấy người dân làm trung tâm phục vụ.

Lợi ích Chuyển đổi số trong cơ quan Nhà nước hiện nay

Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước là quá trình chuyển đổi các hoạt động và dịch vụ từ hình thức truyền thống (nộp hồ sơ trực tiếp, hoặc qua bưu chính) sang hình thức điện tử, số hóa. Mục tiêu của chuyển đổi số là tăng cường hiệu quả, giảm thiểu thủ tục hành chính, nhanh chóng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi số trong hành chính công mang ý nghĩa quan trọng và rộng rãi, bao gồm những điểm sau:

 Tăng cường hiệu suất và năng suất công việc: Sử dụng công nghệ số và quá trình tự động hóa có thể giúp cơ quan nhà nước nâng cao hiệu suất làm việc, tiết kiệm thời gian. Hơn nữa, công việc có thể được thực hiện nhanh chóng hơn và dễ dàng hơn thông qua xử lý tự động, chia sẻ thông tin trên các nền tảng điện tử.

Tối ưu hóa quy trình hành chính: Chuyển đổi số cung cấp cơ hội để tái thiết kế và tối ưu hóa các quy trình hành chính. Việc áp dụng công nghệ số và tự động hóa giúp loại bỏ các bước không cần thiết, giảm thiểu thủ tục hành chính. Điều này giúp cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả hơn cho người dân.

Nâng cao minh bạch và truy cập thông tin: Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước tạo điều kiện truy cập dễ dàng, minh bạch hơn vào thông tin và dịch vụ công. Việc tổ chức và quản lý dữ liệu trong hệ thống số giúp cơ quan nhà nước lưu trữ thông tin một cách an toàn, chính xác. Bên cạnh đó, người dân có thể dễ dàng tra cứu, theo dõi và sử dụng thông tin công cộng.

Tăng cường tương tác: Chuyển đổi số tạo ra cơ hội tốt hơn để tương tác với cơ quan nhà nước. Người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng các kênh trực tuyến để gửi yêu cầu, nộp hồ sơ và nhận hỗ trợ từ cơ quan nhà nước. Điều này giúp tăng cường tương tác và gắn kết giữa cơ quan nhà nước với người dân.

Tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững và thích ứng: Chuyển đổi số là một yếu tố quan trọng để đảm bảo cơ quan nhà nước phát triển bền vững. Việc nâng cao khả năng sử dụng công nghệ số và quản lý thông tin giúp cơ quan nhà nước đáp ứng linh hoạt với sự thay đổi và phát triển của xã hội.

 

Tác giả: Nông Đuổng

 

 


Tin liên quan