A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn huyện

Kinh tế tập thể tồn tại dưới nhiều hình thức, phổ biến hơn cả là hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã. Hợp tác xã được coi là loại hình nòng cốt của kinh tế tập thể, cùng với việc lấy lợi ích kinh tế làm mục tiêu chính, coi trọng lợi ích xã hội của thành viên, coi trọng sự hợp tác mang tính liên kết, bổ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho các thành viên, phát triển cộng đồng. 

 Thu hoạch khoai tây của Hợp tác xã Nam  Cường.

Thời gian qua, huyện Chợ Đồn đã chú trọng việc phát triển kinh tế tập thể, thông qua việc triển khai tuyên truyền sâu rộng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, đồng thời ban hành kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, quy định rõ trách nhiệm của các phòng chuyên môn đồng hành, hỗ trợ các hợp tác xã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND huyện Chợ Đồn, trên địa bàn huyện hiện có 66 hợp tác xã, trong đó có 05 hợp tác xã thành lập mới, 54/66 hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả. Doanh thu bình quân của hợp tác xã 6 tháng đầu năm 2024 khoảng 477 triệu đồng, lãi bình quân của hợp tác xã ước đạt khoảng 80 triệu đồng, thu nhập bình quân của lao động thường ước đạt khoảng 50 triệu đồng. Các tổ hợp tác trên địa bàn huyện trong những năm gần đây cũng được quan tâm phát triển, hiện có 31 tổ hợp tác đều có đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương. Trong 6 tháng đầu năm doanh thu bình quân của tổ hợp tác là 100 triệu đồng, lãi bình quân của tổ hợp tác là 20 triệu đồng. Các hợp tác xã và tổ hợp tác được thành lập đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết không nhỏ nhân lực lao động ở địa phương. Tổng số lao động làm việc thường xuyên và đồng thời là thành viên của các hợp tác xã, tổ hợp tác có khoảng gần 1000 thành viên, vừa là lao động gián tiếp vừa trực tiếp. Bình quân của 01 hợp tác xã từ 07 lao động trở lên, ngoài ra phụ thuộc vào công việc số lao động tham gia tăng thêm vào thời vụ. Nhân lực tham gia quản lý hợp tác xã 196 người, đã qua đào tạo trình độ cao đẳng, đại học là 28 người, trung cấp là 9 người.

          Các hợp tác xã, tổ hợp tác đa số hoạt động tổng hợp nhiều ngành nghề, một hợp tác xã có thể cùng hoạt động nhiều lĩnh vực như nông - lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, vận tải Một số hợp tác xã đã ứng dng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất kinh doanh như mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, đăng ký OCOP để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, tham gia các chương trình hội chợ gắn với quảng bá, xúc tiến du lịch.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện hiện nay, đó là năng lực quản lý của một số hợp tác xã còn nhiều yếu, kém, tăng trưởng không ổn định, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao, số lượng hợp tác xã có lãi không tăng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước và sự phát triển kinh tế của huyện còn thấp. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã chưa nhiều. Chưa có chính sách để thu hút cán bộ có năng lực vào làm việc tại các hợp tác xã, nhiều hợp tác xã chưa có trụ sở làm việc, chưa khuyến khích, động viên được  thành viên gắn bó lâu dài với hợp tác xã,

Để khắc phục những tồn tại hạn chế trong phát triển kinh tế tập thể, UBND huyện xác định kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trong 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025 phải đặt trong kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, của huyện về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, phải xuất phát từ nhu cầu chung thực tế của các thành viên trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, theo đúng các giá trị và các nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã. Các chỉ tiêu kế hoạch phải khả thi, phù hợp với kết quả, tình hình thực hiện chỉ tiêu kế hoạch trong từng năm và phù hợp với chỉ tiêu kế hoạch dài hạn của huyện. Ngoài các chỉ tiêu số lượng, cần chú trọng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt cần chú trọng triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, cần tập trung xây dựng các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, làm tốt công tác quảng bá, mở rộng thị trường, bao tiêu sản phẩm, thông qua các chương trình hội chợ thương mại, gắn với quảng bá xúc tiến du lịch….

 Tổ hợp tác đan, thêu xã Ngọc Phái.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và nâng cao năng lực nguồn nhân lực quản lý hợp tác xã. Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã, tập trung vào chính sách phát triển nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học - công nghệ, hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng…

Trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm và chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, các ban ngành, địa phương, sự cố gắng, nỗ lực của người lao động và kết quả hoạt động tương đối ổn định của các hợp tác xã, cùng với những xu hướng liên kết các loại hình kinh tế trong quá trình sản xuất kinh doanh ngày càng tăng tạo động lực thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển. Kinh tế tập thể trong giai đoạn tới sẽ cùng với các thành phần kinh tế khác sẽ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện./.

 Tác giả: Hà Tuyết –VH&TT

 

 

                  

 

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật