Di tích Bản Cài, xã Phương Viên nơi Bác Hồ dừng chân ngày 15/5/1945, trên đường từ Pác Bó – Cao Bằng về tân Trào Tuyên Quang.
Ngày 2/5/1945, Hồng quân Liên Xô chiếm thủ đô Béc-lin, Phát xít Nhật ở Đông Dương bị cô lập. Thời cơ thuận lợi đòi hỏi Đảng ta phải hành động mau lẹ. Lãnh tụ Hồ Chí Minh di chuyển từ Pác Bó qua Chợ Đồn về Tân Trào lãnh đạo tổng khởi nghĩa.
Ngày 4/5/1945, đoàn xuất phát từ Pác Bó, xã Trường Hà, châu Hà Quảng, Cao Bằng. Cùng đi với Bác là một đoàn gồm cán bộ và chiến sĩ quân giải phóng bảo vệ. Ngày ấy, đồng bào dân tộc ở khu căn cứ địa Việt Bắc mến gọi là "Bộ đội Ông Cụ". Hành lý của đoàn rất đơn giản. Ngoài một vài thứ tư trang ít ỏi, chỉ có một số phương tiện thông tin liên lạc cần thiết hàng ngày.
Rời khỏi Pác Bó, xã Trường Hà, Bác và bộ đội bảo vệ đi qua các xã Xuân Hòa, Đào Ngạn, Phàu Ngọc thuộc châu Hà Quảng. Tiếp đó, đoàn sang xã Nam Tuấn, Bình Long, Hồng Việt thuộc phủ Hòa An. Tại đây, Bác gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Đặng Việt Châu, và Đặng Văn Cáp. Nghe các đồng chí báo cáo tình hình triển khai các mặt ở địa phương và khu vực, Bác giao những nhiệm vụ khẩn thiết trước mắt.
.Ngày 10 tháng 5, Bác cùng đoàn đi Ngân Sơn, qua đèo Bè Le, theo quốc lộ Cao Bằng - Thái Nguyên, rẽ xuống bản Lũng Sao, xã Thượng Ân, châu Ngân Sơn
Ngày 11 tháng 5, Bác qua bản Sành, Nà Y đến bản Hoàng Phài, xã Cốc Đán (Ngân Sơn). Đồng chí Hoàng Mỹ Đức (sau là Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn) nhận ra ông Ké, người trên 50 tuổi, đôi mắt sáng hiền từ. Đoàn có hai đồng minh người Mỹ. Bác Hồ nghỉ tại ngôi nhà đối diện lớp học bình dân học vụ, nơi đa số học sinh là nữ say sưa học bài. Ông giáo Đồng Phúc Chưởng đang đứng lớp cho biết đây là lớp học mang tên Minh Khai, nhưng khi Bác hỏi, không học viên nào biết Minh Khai là ai. Bác giải thích: Minh Khai là nữ đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Bác mong các anh, chị cố gắng học tập, trau dồi đạo đức phục vụ cách mạng, nhân dân, có dũng khí như chị Minh Khai.
Tối hôm đó, có cuộc gặp gỡ thân mật giữa Bác Hồ với đại diện các đoàn thể liên hoan văn nghệ. Bác căn dặn các cháu thanh niên cố gắng rèn luyện, chăm chỉ học hành để trở thành những chủ nhân của đất nước độc lập. Bác nhắc nhở: “Nước ta còn nghèo, ăn uống cần tiết kiệm, đừng xa phí. Công việc cách mạng và đời sống bà con còn phải chi dùng nhiều.” Lúc này, cán bộ và quần chúng chưa ai biết Bác là Hồ Chí Minh mà chỉ biết “Ông cụ” này chắc chắn là “Pỏ Cốc” (Ông Cụ gốc).
Trước khi lên đường, Bác đưa cho các đồng chí địa phương một gói giấy gấp. Bác đi khỏi làng khá lâu, anh em mới mở ra. Trong tờ giấy gói ấy là tiền, Bác trả tiền cơm nước cho địa phương, số tiền bốn mươi đồng Đông Dương (khi đó một tạ thóc giá 1 đến 1,2 đồng). Đội du kích bản Hoàng Phài giúp đoàn mang đồ, máy móc. Đoàn trên dưới 40 người, đi về Chợ Rã qua xã Trung Hòa sang Khuổi Mản, xã Hà Hiệu.
Ngày 13 tháng 5, đến tối, đoàn Bác đến châu lỵ Chợ Rã (Ba Bể), Người nghỉ tại khu nhà thương Chợ Rã.
Ngày 14 tháng 5, Bác Hồ cùng đoàn vượt "Núi Cứu Quốc" qua Kheo Cáo (xã Thượng Giáo), bản Pác Phai dưới chân núi Phia Boóc, qua Phai Gào, Lũng Quốc, Nà Hai và nghỉ tại Bản Chán.
Sáng 15/5/1945, từ Bản Chán (xã Đồng Phúc, châu Chợ Rã, nay là huyện Ba Bể), Lãnh tụ Hồ Chí Minh và đoàn tiếp tục băng rừng, lội suối, vượt đèo qua Pù Cút, xuống Quảng Khê, Chợ Lèng. Đến trưa, đoàn nghỉ chân tại nhà ông Tô Hữu Thơ, bản Nà Pài, xã Bằng Phúc (khi đó thuộc xã Phương Viên).
Chiều 15/5, Bác Hồ cùng đoàn nghỉ chân tại Bản Cài, thôn Nà Làng, xã Phương Viên. Ban Việt Minh và Ủy ban lâm thời xã bố trí cho Người và đoàn nghỉ tại nhà đồng chí Hoàng Văn Cao, Chủ nhiệm Ban Việt Minh xã.
Sáng 16/5/1945, cả đoàn rời Bản Cài đi châu lỵ Chợ Đồn. Khi đến Bản Pịt, có tiếng súng nổ gần, là tiếng súng của quân Nhật ở phía Nam bắn một đội viên tự vệ trên đồi. Đoàn chia thành nhóm nhỏ và rút ngay lên rừng để tránh nguy hiểm.
Trưa ngày 16/5/1945, Bác cùng đoàn nghỉ chân và ăn cơm trưa tại nhà ông Lăng Văn Quân, thôn Khuổi Đải, xã Phương Viên. Sau đó, họ đến nhà ông Lý Quý (Hoàng Văn Quý, cựu lý trưởng xã Ngọc Phái, ở Bản Duồng, thị trấn Bằng Lũng). Để tránh sự nghi ngờ của quân Nhật, cả đoàn tiếp tục đi thêm 4 km đến bản Tủm Tó, xã Ngọc Bằng (nay là xã Bằng Lãng) và nghỉ đêm tại nhà ông Triệu Văn Cam. Suốt chặng đường từ Pác Bó đến cuối hành trình qua huyện Chợ Đồn, đây là lần đầu tiên đoàn gặp nguy hiểm, do đó, tại Tủm Tó, các đội viên bảo vệ tăng cường phòng vệ và canh gác nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Để hành trình đi kín kẽ hơn, ngày 17/5/1945, đoàn rời Tủm Tó nhanh chóng trèo đèo, lội suối vượt qua rừng rậm, chiều đến Nà Kiến, xã Nghĩa Tá."
Hồi ký “Từ nhân dân mà ra” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Tôi vội vã đi đón Bác. Dọc đường, ngựa phóng nhanh quên nghỉ. Lên Đèo De, qua Nghĩa Tá, tới Nà Kiến thì vừa gặp Bác đang đi về. Bác ngồi trên mình ngựa, có vẻ mệt sau một chặng đường xa, mặt gầy võ, râu để dài, duy đôi mắt vẫn tinh anh như bất cứ lúc nào. Từ ngày Bác giao nhiệm vụ xây dựng Đội tuyên truyền Việt Nam Giải phóng quân đến bây giờ tôi mới được gặp lại Bác. Tôi không nén được xúc động, báo cáo với Bác: Vùng giải phóng đã được mở rộng… Tôi trình bày với Bác tình hình phong trào nhân dân trong những vùng rộng lớn mà chúng tôi đi qua, từ ngày Bác chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Tôi báo cáo đã liên lạc được với Trung ương, đã gặp anh Trường Chinh và các đồng chí, phong trào cách mạng ở miền xuôi đang lên mạnh. Bác chăm chú nghe, bình tĩnh, điềm đạm, trong đôi mắt Bác có ánh vui”."
Đến Nghĩa Tá, Bác nghỉ ở nhà ông Ma Văn Thắng (tức Thái Bo) tại Nà Pay, bản Nà Kiến, vì trời mưa to nước suối dâng lên cao, cả đoàn không vượt qua được, đoàn đã dừng lại 3 ngày ở đây, chờ nước lũ rút mới đi tiếp. Đó là các ngày 17, 18, 19 tháng 5 năm 1945.
Sáng 20/5/1945, nước lũ rút, Bác quyết định lên đường. Cả nhà ông Ma Văn Thắng dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả đoàn, sau đó gia đình tiễn Bác và cả đoàn tiếp tục lên đường. Phút chia tay cảm động, Bác cảm ơn gia đình, ôm các cháu bé vào lòng, dặn dò gia đình kiên quyết theo Ban Việt Minh chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay thì Bác mới đền đáp được ân nghĩa bà con. Bác từ Nà Kiến đi qua Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá, Bản Pình, Bản Pài (nay là địa phận xã Bình Trung - nơi giáp danh 3 tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang), đoàn đi tiếp đến Pác Xóp Lũng Nhã, Quan Thượng, Thanh La, vượt đèo Chắn. Tối Người ngủ tại bản Coóc (nay thuộc xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn -Tuyên Quang).
Ngày 21 tháng 5, Đoàn Bác đến đình Hồng Thái, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Đồng chí Chu Văn Tấn, Song Hào và một số cán bộ có mặt đón Bác. Bác vào làng Tân Lập, ở tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh, sau đó chuyển lên lán Nà Nưa. Dấu chân Bác in trên chặng đường mòn này trong thời gian 20 ngày. Bác đã dừng nghỉ ở 6 địa điểm trên mảnh đất Chợ Đồn, trong khoảng thời gian di chuyển từ ngày 15/5 đến ngày 19/5/1945.
Suốt chặng đường từ Pác Bó đến Tân Trào, đi tới đâu, nghỉ chân ở đâu, "Bộ đội Cụ Hồ" đều được quần chúng nhân dân địa phương hân hoan mừng đón. Từ lúc đoàn đến đến khi đoàn đi, họ để lại nhiều dấu ấn trong tâm tư, tình cảm không bao giờ phai của nhân dân. Đã 80 năm trôi qua, người kể và người nghe lúc nào cũng thấy câu chuyện xưa vẫn mới mẻ, vẫn tự hào về việc "Bộ đội Cụ Hồ" năm ấy đến và đi qua làng mình. Những lời Bác nói, tình cảm quý mến của Người dành cho nhân dân đều in sâu vào tâm khảm, máu thịt của người dân nơi đây.
Nhân dân các dân tộc Chợ Đồn mãi mãi khắc ghi những tháng năm lịch sử, mảnh đất này đã in dấu chân Người. Địa danh được ghi trong lịch sử dân tộc, và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chợ Đồn đã được Bác và Trung ương Đảng chọn làm An toàn khu, căn cứ địa trong vùng Chiến khu Việt Bắc./.
Tác giả: Hà Tuyết ( Nguồn: Sách “Đất và Người ATK Chợ Đồn”; “VIỆT NAM GIẢI PHÓNG QUÂN- Nhớ lại bước khởi đầu” – NXB QĐNDVN)