A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ Đồn từng bước thay đổi nhận thức về Chuyển đổi số

Xác định Chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Huyện Chợ Đồn đã và đang tiếp tục tuyên truyền để người dân nhận thức rõ, đúng, về Chuyển đổi số, đồng thời đưa công nghệ số nhanh chóng lan tỏa đến mọi mặt của đời sống và đến từng người dân.
Đồng bào Mông xã Xuân Lạc sử dụng điện thoại thông minh để cập nhật tin tức.
   Thay đổi nhận thức
Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Bên cạnh đó, chương trình cũng xác định quan điểm: nhận thức đóng vai trò quyết định trong Chuyển đổi số; người dân là trung tâm của chuyển đổi số; thể chế và công nghệ là động lực của Chuyển đổi số; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy Chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của Chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của Chuyển đổi số.
Có thể thấy Chuyển đổi số giờ đây đã trở thành một khái niệm phổ biến, tuy nhiên, có một thực tế là không nhiều người hiểu được bản chất của Chuyển đổi số là gì? Do đó, để Chuyển đổi số thành công, bên cạnh các yếu tố về công nghệ, huyện Chợ Đồn đang từng bước nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số của các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn và nhân dân. Qua đó, ý thức về thực hiện Chuyển đổi số từng bước được nâng lên, tại cấp xã các lãnh đạo đã quan tâm, chủ động hơn, quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, các công chức cấp xã đã chủ động nghiên cứu, tham mưu tích cực hơn đối với hoạt động Chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư; sử dụng các phần mềm dùng chung ngày càng thành thạo và tốt lên.
Ông Nông Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Lạc cho biết: Hoạt động Chuyển đổi số đã được UBND xã quan tâm, địa phương đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Tuy nhiên do là xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhận thức còn nhiều hạn chế nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, cấp ủy chính quyền xã sẽ tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa công tác này trong thời gian tiếp theo.
Những kết quả bước đầu
Hoạt động Chuyển đổi số được huyện Chợ Đồn triển khai thực hiện trên cả 3 lĩnh vực đó là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Về Chính quyền số huyện thực hiện các bước triển khai dự án xây dựng hệ thống camera an ninh và Trung tâm điều hành thông minh (IOC) huyện Chợ Đồn. UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn huyện phối hợp VNPT Bắc Kạn triển khai thực hiện hệ thống phần mềm VNPT – iOffice liên thông đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã. Đến nay 100% cán bộ, công chức, viên chức đều được cấp thư điện tử công vụ; tỷ lệ sử dụng thường xuyên thư điện tử công vụ đạt trên 85%. Huyện đã được cấp tổng số hơn 450 thiết bị lưu khóa bí mật, đa số các cơ quan, đơn vị được cấp đã thực hiện triển khai sử dụng ổn định chữ ký số theo quy định, đúng quy trình. Hoạt động Cổng thông tin điện tử huyện thường xuyên đăng tải, cập nhật thường xuyên các văn bản chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân huyện, các tin, bài phản ánh về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng; gương người tốt việc tốt.
Về Kinh tế số và Xã hội số, huyện đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức 01 cuộc tập huấn cho các Tổ trưởng Tổ công nghệ số cấp xã, cấp thôn. Huyện cũng ban hành văn bản chỉ đạo thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện, giao các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp hướng dẫn, tuyên truyền tổ chức triển khai thực hiện.Triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên Sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Việc phổ cập hoá đơn điện tử trên địa bàn được quan tâm, hiện nay đã có trên 100 tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã; trên 70 hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn huyện đăng ký hóa đơn điện tử thành công trên hệ thống theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài Chính.
Thực hiện Đề án 06, công an huyện đã tham mưu triển khai thực hiện, đến nay 20/20 xã, thị trấn, 227/227 thôn đều thành lập Tổ công tác thực hiện Đề án. Đối với phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, sổ sức khỏe điện tử đang được triển khai đến các trạm Y tế, dữ liệu hồ sơ sức khỏe được liên thông từ các cấp. Hoạt động học và dạy trực tuyến được triển khai phù hợp với diễn biến tình hình dịch Covid -19 tại địa phương.
Mặc dù đã nỗ lực trong thực hiện công tác Chuyển đổi số, tuy nhiên hiện nay hoạt động Chuyển đổi số trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức về Chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin của đại đa số đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế. Đường truyền kết nối chưa đảm bảo an toàn, an ninh để thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đặc điểm dân cư của huyện, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, trình độ hiểu biết của người dân còn hạn chế nên việc tiếp cận, sử dụng các thiết bị di động thông minh để đăng nhập, sử dụng tài khoản định danh điện tử gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh, máy tính cá nhân còn thấp. Dữ liệu Hồ sơ sức khỏe chưa đầy đủ và chính xác, cần phải chuẩn hóa dựa trên cơ sở dữ liệu dân cư và các nguồn dữ liệu khám chữa bệnh. Tỷ lệ cài đặt app Sổ sức khỏe điện tử của người dân còn thấp, tỷ lệ cài App/Số máy Smartphone đạt chưa đến 15%, tỷ lệ đăng ký trên app chưa đến 12%.
Để tiếp tục thúc đẩy Chuyển đổi số, huyện Chợ Đồn đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của Chuyển đổi số. Thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong công tác Chuyển đổi số. Tập trung phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy toàn dân sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số làm cho người dân được thụ hưởng các kết quả do Chuyển đổi số mang lại ngày càng thiết thực hơn.
Tác giả: Nông Đuổng

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin nổi bật Tin nổi bật