Công trình thắp sáng đường quê tại thôn Cốc Slông, xã Xuân Lạc.
Xuân Lạc là xã vùng cao của huyện, hiện nay xã có tổng số 9 thôn bản với trên 900 hộ, hơn 4.400 nhân khẩu, trong đó, có nhiều thôn đồng bào dân tộc Mông, như: Nà Bản, Cốc Slông, Tà Han, Pù Lùng, Thượng Sơn; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 49,56%, cận nghèo 11,56%.
Theo ông Trần Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lạc, những năm qua địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân thực hiện xã hội hóa để đầu tư lắp đèn đường; đến nay cơ bản các thôn trên địa bàn xã đã có hệ thống đèn đường nông thôn. Trong đó, các thôn Nà Bản, Cốc Slông, Bản Khang, Bản Eng, Nà Dạ sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng; các thôn còn lại là địa phương huy động nguồn xã hội hóa để thực hiện.
Tại thôn Cốc Slông, công trình đèn đường nông thôn vừa được thi công hoàn thành với hơn 20 bóng đèn năng lượng mặt trời. Tuy chưa kéo dài được khắp thôn, nhưng cơ bản những đoạn có nhà dân đã có bóng điện chiếu sáng. Từ ngày thôn có đèn đường bà con ở bản rất vui và phấn khởi; người dân đi làm về muộn hay ra đường buổi tối không phải dùng đèn pin như trước, đặc biệt an ninh trong thôn được đảm bảo.
Ông Lầu Văn Thà, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Cốc Slông chia sẻ: Ở thôn giờ có đèn thắp sáng theo đường ai cũng thấy phấn khởi, để sử dụng công trình được lâu dài, ông và các hộ dân trong thôn đã tuyên truyền cùng nhau bảo vệ đường dây điện, cột và bóng đèn năng lượng…
Phát huy tinh thần xã hội hóa, thời gian qua xã Bình Trung đã huy động đóng góp xây dựng được 7 công trình “Thắp sáng đường quê” tại 7 thôn với 100 bóng đèn bằng năng lượng mặt trời và điện lưới. Tổng kinh phí đầu tư trên 140 triệu đồng, trong đó, Sở Thông tin và Thông tin tỉnh – đơn vị giúp đỡ xây dựng nông thôn mới hỗ trợ trên 40 triệu đồng, nguồn xã hội hóa trên 100 triệu đồng. Từ khi có hệ thống điện đường, tạo diện mạo mới cho thôn, người dân phấn khởi, an tâm khi đi lại về đêm.
Theo ông Ma Phúc Giáp, thôn Nà Oóc, xã Bình Trung, khi triển khai huy động xã hội hóa xây dựng đèn đường nông thôn đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của bà con; sau khi đưa vào sử dụng công trình đã phát huy được hiệu quả như tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, bà con đi lại thuận lợi.
Với hiệu quả thiết thực của chương trình thắp sáng đường quê, huyện đã khuyến khích các xã, thị trấn và người dân nhân rộng mô hình này ra toàn huyện. Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân cùng đóng góp tiền, công lao động để lắp đèn đường. Đến nay, chương trình đã được đông đảo nhân dân đồng lòng hưởng ứng, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, hầu hết các thôn, tổ trên địa bàn huyện đã có công trình đèn đường chiếu sáng.
Khánh thành công trình thắp sáng đường quê tại xã Bằng Lãng.
Từ khi mô hình thắp sáng đường quê, được triển khai không những xua tan bóng tối mà còn góp phần làm đẹp cảnh quan của bản, phục vụ việc đi lại thuận tiện cho người dân, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ngày càng được bảo đảm. Ánh điện đã giúp người dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thắt chặt hơn tình đoàn kết, cùng nhau chung tay xây dựng bản làng ngày càng đổi mới, văn minh.
Kết quả đạt được đã góp phần tích cực trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện. Tính đến hết năm 2024, bình quân số tiêu chí nông thôn mới toàn huyện đạt 15,0 tiêu chí, có 10/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thực hiện Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới đạt 2/9 tiêu chí; có 11/203 thôn được Chủ tịch UBND huyện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tác giả: Thu Thúy