Toàn cảnh buổi làm việc.
Sau nhiều năm thực hiện các chủ trương, chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá đã tác động tích cực đối với mọi mặt của đời sống xã hội, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành ở địa phương, nhân dân phấn khởi, tích cực tham gia công tác bảo vệ, gìn giữ các di sản mà mình đang nắm giữ, thể hiện ở sự đồng tình ủng hộ xã hội hoá, hiến tặng các di sản khi được đề xuất sưu tầm, lưu giữ,… Quản lý nhà nước về văn hoá, thông tin, di tích, di sản được thuận lợi. Nếp sống văn minh trong lễ hội được tổ chức thực hiện theo quy định; chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên theo hướng văn minh, tiến bộ.
Theo báo cáo của UBND huyện Chợ Đồn, hiện nay trên địa bàn có 01 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, An toàn khu (ATK) Chợ Đồn; 16 di tích cấp tỉnh đã được xếp hạng. Chợ Đồn có 03 di sản văn hoá phi vật thể được công nhận là di sản văn hoá cấp quốc gia, đó là: Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục người Dao đỏ; hát Páo dung và chữ Nôm Dao. 64 di sản văn hoá phi vật thể được kiểm kê, đưa vào danh mục cần được bảo tồn. Ngoài ra, các di sản, như: Hát then đàn - tính, các làn điệu sli, phong slư, nghề đan lát thủ công truyền thống, các bài thuốc gia truyền, điệu múa truyền thống, trang phục truyền thống… của các dân tộc cũng được quan tâm gìn giữ. Thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội tại các di tích và gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn được quan tâm. Tuy nhiên, một số di sản văn hóa phi vật thể của một số dân tộc ít người chưa được nhận diện, đánh giá, kiểm kê kịp thời, làm mai một. Chưa phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa để phục vụ tốt việc phát triển du lịch…
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát trao đổi, làm rõ việc bảo tồn, kiểm kê, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện. Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn đề nghị huyện Chợ Đồn tiếp tục bổ sung những nội dung mà các thành viên trong đoàn giám sát góp ý, để đoàn giám sát tổng hợp và hoàn thiện báo cáo của đoàn. Trước đó, sáng cùng ngày, đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại một số điểm di tích lịch sử và điểm di tích hiện nay đã được kiểm kê, đưa vào danh mục cần được bảo tồn tại xã Nghĩa Tá và xã Yên Phong.
Để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá xứng tầm với ý nghĩa lịch sử, gắn liền với phát triển du lịch trong thời gian tới, huyện Chợ Đồn tiếp tục thực hiện quy hoạch tổng thể, đồng bộ trong việc trùng tu, tôn tạo, nâng cấp các điểm di tích gắn liền với việc quy hoạch phát triển du lịch; trong đó tập trung đầu tư có trọng điểm như: di tích Nà Pậu, Khuổi Linh, Pù Cọ, Bản Ca... trong khu ATK Chợ Đồn. Bảo tồn, gìn giữ di sản văn hoá phi vật thể tránh nguy cơ mai một, thất truyền. Mở lớp truyền dạy những di sản văn hoá phi vật thể để trở thành thế mạnh thực sự phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá, trở thành sản phẩm du lịch. Quảng bá, giới thiệu bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú về hình ảnh và sự kiện lịch sử, mảnh đất, con người. Huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn, nhất là xã hội hóa để sớm xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, các dịch vụ, kết hợp tổ chức sự kiện văn hoá gắn với trải nghiệm, khai thác các yếu tố lịch sử, văn hóa đặc trưng vùng miền để tạo tính cạnh tranh với các địa phương khác.
Tác giả: Ngọc Khu