A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch ở xã Bản Thi

Với lợi thế là địa phương có các di tích lịch sử văn hoá, di tích lịch sử cách mạng và nhiều danh lam thắng cảnh cùng nhiều món ăn nổi tiếng, xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch như du lịch khám phá, trải nghiệm và du lịch tâm linh.

 Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện chụp ảnh lưu niệm tại Đền Phja Khao nhân dịp tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo lại Đền.
Xã Bản Thi nằm ở phía Tây của huyện Chợ Đồn, với dân số khoảng 1.600 người, sinh sống ở 8 thôn bản với 8 dân tộc là: Tày, Dao, Kinh, Nùng, Mông, Hoa, Sán Chí, Mường. Tại xã có các di tích lịch sử cách mạng như: Di tích lịch sử Phja Tắc – địa điểm đặt Nhà máy in tiền của Bộ Tài chính từ năm 1947-1953; Hệ thống đường dây cáp tời quặng Phja Khao; Di tích nền xưởng quân giới Trung ương; Di tích Phja khao – nơi đóng quân của Nha nghiên cứu kỹ thuật quân sự.
Đặc biệt điểm nhấn mà ở các địa phương khác không có là xã có 02 di tích lịch sử văn hóa là Đền Phja Khao và Đền Tiên Sơn, đây là điều kiện thuận lợi để xã phát triển loại hình du lịch tâm linh. Đền Tiên Sơn thuộc thôn Hợp Tiến nằm ở lưng chừng núi ở độ cao khoảng 500m so với mực nước biển. Đền xây theo hình chữ công (I). Đền có bức đại tự ghi hàng chữ “Tiên sơn linh từ”, nghĩa là ngôi đền thiêng nằm trước núi. Đền thờ mẫu Liễu Hạnh- một trong tứ bất tử của dân gian (đền được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2002).  Một ngôi Đền nữa là đền Phja Khao, Đền được xây dựng vào năm 1933, là ngôi đền thờ Đức Thánh Trần (tức Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn) vị anh hùng dân tộc thiên tài đã lãnh đạo quân dân Đại Việt 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông thế kỷ thứ 13 và Đền mang nét kiến trúc của dân tộc Kinh vùng đồng bằng Bắc Bộ, sau khi xây dựng xong nhân dân tại đây đã tổ chức lễ rước về Đền Trần Nam Định để Dâng lễ, xin chân nhang, rước ngài về về thờ cúng tại Đền Phja Khao. Năm 2017 Đền được UBND tỉnh Bắc Kạn xếp hạng di tích cấp tỉnh tại quyết định số 897 ngày 23 tháng 6 năm 2017, từ khi xây dựng đến nay, trải qua những diễn biến lịch sử, ngôi đền luôn gắn bó với nhân dân địa phương và du khách thập phương, được người dân bảo vệ, chăm sóc gìn giữ. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, cũng như đáp ứng nguyện vọng sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân và được sự chấp thuận của UBND tỉnh, UBND huyện Chợ Đồn, Công ty TNHH Hoàng Mấm (tỉnh Thái Nguyên) đã làm chủ đầu tư tôn tạo, tu bổ công trình Đền Phja Khao bằng nguồn lực huy động xã hội hóa, công trình đã hoàn thành với tổng diện tích  360m2, thiết kế theo lối kiến trúc cổ, mái lợp ngói mũ hài, nền lát gạch đỏ. Các hạng mục gồm: Đền chính, gian thờ Phật, nhà bếp, nhà khách, hạng mục phụ trợ, tổng mức đầu tư là hơn 3,7 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Hoàng Mấm đóng góp hơn 2,8 tỷ đồng. Với lợi thế này xã có thể đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh.

 Di tích lịch sử Hệ thống đường dây cáp tời quặng – Chứng tích của thực dân Pháp bóc lột sức lao động của công nhân mỏ kẽm Bản Thi  giai đoạn các năm 1909 – 1941.
Ngoài các di tích lịch sử trên, xã Bản Thi còn được biết đến là địa phương có nhiều dấu tích từ thế kỷ trước do thực dân Pháp khai thác khoáng sản để lại như: Nhà đá, đường gòng, cáp tời quặng, lò khai thác quặng và phong cảnh núi rừng hùng vĩ do toàn bộ phía của xã là rừng đệm của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh nam Xuân Lạc, du khách có thể ngắm nhiều loài động vật quý hiếm, hệ thống đường khai thác khoáng sản có lịch sử hàng trăm năm tuổi do người Pháp xây dựng từ trước, khu nhà ở của người Pháp, khu giàn cáp treo; rừng nghiến nguyên sinh tại khu vực Lũng Trang, Lũng Lỳ… Song song với đó là núi Tam Sao với quần thể rừng nghiến bao bọc,…Người dân thôn Phja Khao canh tác trồng các loại ngô rau màu trên những sườn đồi thoai thoải, ngay cạnh là những dãy núi cao, thuận lợi để du khách tham quan thực hiện các hoạt động trải nghiệm như: cắm trại và leo núi, bẻ ngô, hái rau su su, rau rớn, rau bồ khai, hái sim, ngắm những bông hoa rừng đủ màu sắc sặc sỡ. Đồng thời nơi đây cũng có nhiều món ăn nổi tiếng như: Đậu phụ, Tào phớ, Gà tần, Phở chua, Khau nhục, Chân giò hầm, Ngọn su su, Quả su su…
Ông Khổng Thanh Tiềm, Chủ tịch UBND xã Bản Thi cho biết: Trên cơ sở Đề án quản lý và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch huyện giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của UBND huyện đã ban hành, xã Bản Thi sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để phát triển đồng bộ các loại hình du lịch như: du lịch khám phá, trải nghiệm và du lịch tâm linh. Thời gian tới, xã sẽ lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ người dân làm du lịch; vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, xã sẽ phát triển các sản phẩm nông sản địa phương gắn với Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” để phục vụ nhu cầu khách tham quan, mua sắm khi đến du lịch.

 Thôn Phja Khao – điểm đến hấp dẫn cho khách thăm quan trải nghiệm, khám phá.
Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng việc phát triển du lịch ở xã Bản Thi hiện vẫn còn nhiều hạn chế như: cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, dịch vụ chưa đáp ứng, sản phẩm phục vụ du lịch chưa phong phú,…. Vì vậy xã tiếp tục mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của tỉnh, huyện, cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong việc nâng cấp đường giao thông, đầu tư các điểm tham quan, giúp xã khai thác được hết tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân./.
Tác giả: Nông Đuổng

 

 


Tin liên quan