A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Theo dấu chân Bác nơi chiến khu ATK Chợ Đồn

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Bắc Kạn nói chung, huyện Chợ Đồn nói riêng thuộc vùng chiến khu của cách mạng với rất nhiều thôn bản được chọn là nơi ở và làm việc của Bác Hồ và Trung ương Đảng. Những nơi ghi dấu chân người không chỉ mang ý nghĩa lịch sử lớn lao mà đó còn là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc nơi đây.

 

Di tích lịch sử Nà Pậu là nơi Bác Hồ ở và làm việc năm 1951.
 Hơn 60 năm qua, trong tâm thức của nhân dân thôn Nà Tẳng nói riêng, xã Lương Bằng nói chung, khu vực Nà Pậu nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc mãi như còn mang hơi ấm của Người. Thời gian có trôi đi nhưng gian nhà Bác nghỉ ngơi làm việc, căn hầm chữ T hay lối mòn xuống nơi Bác thường xuyên tắm, giặt như vẫn in hình bóng Người. Đã có thời gian hơn 20 năm được trông coi Khu di tích Nà Pậu, bà Hoàng Thị Hải  ở thôn Nà Tẳng chia sẻ: Theo lời kể của bố mẹ bà là những người đã được sống ở Bản Thít ( nay là thôn Nà Tẳng) trong thời gian Bác ở Nà Pậu, thì chính tại nơi này, ngày 1/1/1951, Bác Hồ đã gửi thư chúc Tết đồng bào cả nước và ký quyết định thả 119 tù binh Âu Phi, đồng thời ra Chỉ thị cấp phát quần áo, bảo vệ an toàn cho nhóm tù binh này khi về nước.  Ngày 18/1/1951, Bác gửi thư cho Đại hội trù bị toàn quốc lần thứ II của Đảng. Ngày 20/1/1951, Bác ký quyết định khen thưởng các đơn vị bộ đội đã chiến thắng trong chiến dịch Trung Du và Đông Bắc, đồng thời gửi 4 lá cờ danh dự để trao tặng các đơn vị bộ đội đạt nhiều thành tích và lập nhiều chiến công xuất sắc. Ngày 24/1/1951, Bác gửi thư cho Nha bình dân học vụ và thông báo Nha được thưởng Huân chương kháng chiến. Trong thời gian ở Nà Pậu, Bác còn viết nhiều bài báo, ký nhiều quyết định góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đi tới thắng lợi. Mặc dù những câu chuyện về Bác chỉ được nghe kể lại nhưng ấn tượng sâu sắc của nhân dân thôn Nà Tẳng chính là sự giản dị, gần gũi của Bác với bà con nhân dân trong những ngày hoạt động cách mạng tại đây.

 

  Di tích lịch sử Tủm Tó, xã Bằng Lãng – nơi Bác Hồ dừng chân trên đường từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Tân Trào (Tuyên Quang) ngày 16/05/1945.
Khu vực An toàn khu có địa hình hiểm trở, mạng lưới giao thông là những đường mòn, theo Bác Hồ đó là nơi “ Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” nghĩa là nếu phong trào kháng chiến của ta phát triển mạnh, lực lượng sẽ thuận lợi khi tiến công ngược lại nếu cách mạng gặp khó khăn có thể lùi để phòng thủ bảo toàn lực lượng. Chính vì thế trong nhiều năm kháng chiến, Bác Hồ đã chọn một số địa điểm ở huyện Chợ Đồn để làm việc. Một trong những địa điểm Bác dừng chân là Bản Ca xã Bình Trung. Mặc dù Bác Hồ có lưu lại Bản Ca trong thời gian chưa đầy một tháng tuy nhiên lời nhắn nhủ của Bác đối với những người con dân tộc Dao nơi đây: “Có ruộng đất thì bà con cố gắng tăng gia sản xuất, đoàn kết lại để phục vụ cách mạng đấu tranh” luôn được người dân lưu truyền từ đời này qua đời khác. Các thế hệ cha ông trên mảnh đất An toàn khu đã nối tiếp truyền lại lời nhắn nhủ ấy để con cháu đời sau nỗ lực học tập,  làm việc, lao động, vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương chiến khu ngày càng ấm no.
Ở huyện Chợ Đồn có nhiều điểm di tích và địa danh ghi dấu chân của Bác Hồ trong đó có nơi Bác Hồ đã sống và làm việc với thời gian khá dài như đồi Nà Pậu, xã Lương Bằng; Bản Ca, xã Bình Trung; Nà Pay, xã Nghĩa Tá, cũng có nơi Người chỉ dừng chân một đêm như: Bản Cài và Khuổi Đải xã Phương Viên, Tủm Tó, xã Bằng Lãng; Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá; Khuổi Trang, xã Bình Trung; Nà Pài, xã Bằng Phúc; Nà Chang, xã Đồng Thắng; Bản Duồng, thị trấn Bằng Lũng… Dẫu thời gian Bác Hồ lưu lại dài hay ngắn thì những địa điểm ấy mãi là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc huyện Chợ Đồn. Những lời căn dặn của Bác chính là động lực để đồng bào nơi đây quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
     Tác giả: Hương Liễu

 

 

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật