Chị Hoàng Thị Chính, thôn Bản Chang duy trì trồng Khẩu Nua Pái nhiều năm nay.
Chị Hoàng Thị Chính, thôn Bản Chang là hộ dân đã thực hiện trồng giống lúa nếp Khẩu Nua Pái từ nhiều năm nay, đây là giống lúa phù hợp với đặc điểm khí hậu ở địa phương. Từ vụ mùa năm 2021 khi địa phương được triển khai mô hình phục tráng giống Khẩu Nua Pái gia đình chị năm nào cũng đăng ký tham gia với diện tích 1.000m2. Theo chị Chính, Khẩu Nua Pái là giống gạo nếp có đặc điểm thơm, ngon, dẻo, màu sắc của hạt thóc khi chín có màu đỏ thẫm; sản phẩm lúa nếp Khẩu Nua Pái hằng năm sau khi thu hoạch được tiêu thụ thuận lợi, các thương lái đến tận nơi mua, năm 2023 có giá 18.000đ/1kg thóc và 25.000đ/1kg gạo.
Về quy trình chăm sóc chị Hoàng Thị Chính chia sẻ “Sau khi cấy lúa phải thường xuyên thăm đồng kiểm tra nước, phòng trừ sâu bệnh hại và chú ý bón phân theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa, có như vậy khi thu hoạch sẽ đạt năng suất cao hơn”.
Vụ mùa năm 2024, xã Lương Bằng tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích mô hình phục tráng giống lúa nếp Khẩu Nua Pái là 1,9ha, có 18 hộ dân ở thôn Bản Chang tham gia. Theo bà Hoàng Thị Chinh, trưởng thôn Bản Chang, giống lúa nếp Khẩu Nua Pái đã có từ rất lâu, hằng năm đều được bà con trồng nhưng chủ yếu để phục vụ cuộc sống hằng ngày như làm bánh, xôi trong các dịp Tết, lễ; từ khi được phục tráng lại thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật về chăm sóc, bón phân, phòng bệnh năng suất cao hơn, vụ mùa năm 2023 đạt khoảng 50 – 52 tạ/ha; bên cạnh đó, các hộ dân đã chú trọng tham gia và đã hướng đến thương mại hóa, không chỉ trồng để đủ ăn mà còn để bán ra thị trường, tạo thêm nguồn thu nhập.
Chị Chinh cho biết: “Bà con rất tích cực tham gia thực hiện mô hình phục tráng giống lúa nếp Khẩu Nua Pái, bởi lúa tốt hơn, năng suất cao hơn sẽ giúp bà con có thêm nguồn thu nhập từ tiêu thụ sản phẩm Khẩu Nua Pái”.
Nhiều diện tích lúa nếp Khẩu Nua Pái được trồng tại cánh đồng thôn Bản Chang.
Với những ưu điểm nổi trội, sản phẩm Khẩu Nua Pái năm 2020 đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, từ đây mở ra cơ hội để gạo nếp Khẩu Nua Pái xã Lương Bằng đến gần hơn với khách hàng. Năm 2022, địa phương thành lập Tổ hợp tác sản xuất Khẩu Nua Pái, có 16 hộ tham gia. Đặc biệt, cuối năm 2023 Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Khẩu Nua Pái Chợ Đồn, chủ giấy chứng nhận là Hội Nông dân huyện Chợ Đồn. Việc đăng ký thành công Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Khẩu Nua Pái Chợ Đồn sẽ góp phần nâng cao danh tiếng, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm, gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương, trong đó có Khẩu Nua Pái, xã Lương Bằng.
Với những đặc điểm thơm, ngon, dẻo, Khẩu Nua Pái xã Lương Bằng sẽ là địa chỉ để UBND huyện Chợ Đồn sử dụng sản phẩm cho tổ chức tại Hội Cốm ATK năm 2024. Theo Kế hoạch Hội Cốm ATK dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 18/10 gắn với hoạt động chợ đêm tháng 10. Mỗi xã, thị trấn sẽ thành lập 01 đội tham gia các phần thi gồm: hái cốm, giã cốm, các sản phẩm từ cốm và trưng bày giới thiệu sản phẩn nông nghiệp, ẩm thực địa phương. Hiện nay, Ban tổ chức Hội Cốm ATK huyện đang chỉ đạo các địa phương chuẩn bị sản phẩm nông sản, ẩm thực để trưng bày, giới thiệu và phối hợp với xã Lương Bằng lựa chọn địa điểm để tổ chức phần thi hái cốm. Trao đổi cùng cùng một số hộ dân đang trồng Khẩu Nua Pái ở thôn Bản Chang về hoạt động Hội Cốm ATK, các hộ dân đều hưởng ứng.
Chị Hoàng Thị Chinh, trưởng thôn Bản Chang, xã Lương Bằng chia sẻ thêm: “Hội Cốm ATK được huyện tổ chức và dự định sẽ lựa chọn sản phẩm Khẩu Nua Pái ở xã Lương Bằng để thực hiện các phần thi, tôi cảm thấy rất thiết thực, bởi không chỉ ôn lại cách làm cốm từ ngày xưa (như hái cốm, giã cốm) mà còn giúp địa phương quảng bá sản phẩm Khẩu Nua Pái đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài địa phương”.
Kết quả từ mô hình phục tráng giống lúa nếp Khẩu Nua Pái và tới đây là Hội Cốm ATK được tổ chức sẽ góp phần tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, ẩm thực, du lịch, con người và các sản phẩm nông sản OCOP của địa phương, khuyến khích người dân tham gia thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, đặc biệt là sản phẩm Khẩu Nua Pái xã Lương Bằng nhằm đưa sản phẩm phát triển theo hướng hàng hóa gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Tác giả: Thu Thúy – Ngọc Khu