A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Đồn

 Ngày 30/11/2023, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn.

  Di tích Nà Pậu (Thôn Nà Tẳng, xã Lương Bằng) - nơi ở và làm việc của Bác Hồ giai đoạn 1950 – 1951.

Theo đó, tổng diện tích lập quy hoạch là 135 ha, thuộc địa bàn các xã: Lương Bằng, Nghĩa Tá và Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn và các khu vực cảnh quan, di tích phụ cận có liên quan; trong đó, Khu vực bảo vệ của di tích, có diện tích là 49,39 ha. Khu vực mở rộng bảo vệ cảnh quan, nhằm hoàn chỉnh tổng thể không gian cảnh quan lịch sử về hình ảnh khu căn cứ cách mạng, vùng đất An toàn khu xưa, phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch, có diện tích là 85,61 ha; gồm: Diện tích khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực ảnh hưởng đến cảnh quan di tích, làng bản của đồng bào dân tộc là những bộ phận gắn liền với căn cứ cách mạng trước đây cần bảo tồn; diện tích giao thông, hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ; các khu chức năng phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

 Di tích Khuổi Linh (Thôn Nà Đeng, xã Nghĩa Tá) - nơi ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng giai đoạn 1950-1951.

Mục tiêu quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc thông qua các di tích, điểm di tích hiện còn của Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn; góp phần hình thành điểm thăm quan về nguồn, nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng và tinh thần yêu nước của Nhân dân ta cho các thế hệ mai sau; điểm du lịch văn hóa, lịch sử đặc sắc, danh lam thắng cảnh hấp dẫn; gắn kết đồng bộ với hệ thống di tích cách mạng của tỉnh Bắc Kạn, vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn và toàn vùng chiến khu Việt Bắc xưa; Làm cơ sở khoa học cho việc bảo tồn hệ sinh thái, cảnh quan và phát triển hệ sinh thái mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường và sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng căn cứ cách mạng Chợ Đồn nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung; Xác định và điều chỉnh ranh giới, cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích; chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu vực dân cư và khu vực bảo vệ môi trường; quy hoạch, tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích; Xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích và các khu vực phụ cận gắn với phát triển du lịch bền vững, phù hợp với quy hoạch được duyệt và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân vùng căn cứ cách mạng; Làm cơ sở pháp lý để quản lý và bảo vệ di tích; lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; xây dựng quy định quản lý, bảo vệ và kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan của di tích và các khu vực liền kề di tích theo quy hoạch được duyệt và quy hoạch khác có liên quan trong khu vực.

 Di tích Đồi Pù Cọ Nơi - nơi gặp nhau của hai quân đoàn Nam tiến và Bắc tiến tháng 10 năm 1943, thuộc Cụm di tích Pù Cọ (thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá).

Trong Quyết định được phê duyệt cũng đã nêu rõ phạm vi và ranh giới lập quy hoạch, nội dung quy hoạch. Bảo quản và tu bổ các công trình kiến trúc hiện còn gắn với yếu tố gốc của di tích. Phục hồi các công trình, di tích trên cơ sở khoa học và tư liệu lịch sử.

 Di tích Lán đồng chí Võ Nguyên Giáp - nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1943, thuộc Cụm di tích Pù Cọ (thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá).

Quy hoạch hướng tới bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại các di tích; định hướng phát triển du lịch. Tập trung phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng về tài nguyên tự nhiên và văn hóa của khu vực, gồm: Nghiên cứu, tham quan di tích văn hóa - lịch sử, di chỉ khảo cổ; du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hóa bản địa và các sản phẩm du lịch gắn với các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Phát triển sản phẩm du lịch do người dân địa phương tổ chức, quản lý theo hướng mỗi bản, mỗi điểm di tích một sản phẩm du lịch đặc trưng. sinh thái, du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa. Xây dựng tuyến, điểm du lịch, lấy cụm du lịch Trung tâm Di tích Nà Pậu là hạt nhân trong phát triển du lịch.

 Di tích Bản Ca - nơi ở và làm việc của Bác Hồ cuối năm 1947.

 

 Tác giả: Hà Tuyết- VHTT

 

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật