A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thí điểm tiêm vắc xin Dịch tả lợn Châu phi AVAC ASF LIVE

Để thí điểm tiêm phòng vắc xin AVAC ASF LIVE phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn đã lựa chọn 4 địa phương tham gia thí điểm kế hoạch giám sát vắc xin DTLCP, Chợ Đồn là 1 trong 4 địa phương nói trên.

Sáng ngày 20/11/2023 tại trang trại chăn nuôi lợn ông Chu Quang Phúc thôn Nà Cọ, xã Đồng Thắng đã thực hiện tiêm thí điểm với tổng đàn 240 con, trọng lượng bình quân từ 15-25 kg (2,5 - 3 tháng tuổi). Đoàn giám sát thí điểm tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi. Thành phần gồm Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn, Công ty Cổ phần VAC Việt Nam, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện.

Kỹ thuật viên của Công ty cổ phần AVAC trực tiếp tiêm vắc xin cho đàn lợn.

     Theo nội dung buổi giám sát thí điểm tiêm phòng, Công ty cam kết cung ứng vắc xin, kỹ thuật viên, vắc xin đảm bảo an toàn, chất lượng, sau khi tiêm 28 ngày lấy mẫu máu kiểm tra kháng thể, đánh giá đáp ứng miễn dịch của vắc xin và cam kết trong vòng 72 giờ nếu lợn bị chết do phản ứng với vắc xin thì được Công ty hoặc ngân sách nhà nước hỗ trợ theo Văn bản số 2839/UBND - KT, ngày 13/7/2016 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc hỗ trợ gia súc chết do phản ứng sau tiêm phòng vắc xin; Hướng dẫn số 671/HD - SNN, ngày 12/8/2016 của Sở Nông nghiệp và PTNT về thủ tục hỗ trợ gia súc chết do phản ứng sau tiêm phòng vắc xin. Nếu lợn chết sau khi tiêm vắc xin sau 72 giờ thì hộ chăn nuôi tự nguyện tiêu huỷ và tự chịu mọi thiệt hại do dịch bệnh xảy ra; hằng ngày thực hiện vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh.

Ông Chu Quang Phúc, chủ trang trại đăng ký tiêm thí điểm vacxin AVAC cho biết: “Trong đợt này, trang trại tôi đăng ký tiêm cho 23 con lợn thịt 12 tuần tuổi. Qua theo dõi, 23 con lợn vừa được tiêm ăn uống tốt, hoạt động bình thường. Trong giai đoạn 21 ngày sau tiêm, tôi tiếp tục tập trung theo dõi diễn biến sức khỏe của đàn lợn, nếu có dấu hiệu khác thường thì liên hệ với cơ quan thú y để kịp thời xử lý. Dự kiến qua đầu năm 2024, tôi sẽ tiêm mũi 1 cho 50 con heo thịt nữa, đồng thời lấy mẫu số đã tiêm cho ngành chức năng phân tích, đánh giá”.

 Đàn lợn sau tiêm phòng 72 giờ có phản ứng tốt.

         Buổi tiêm phòng vắc xin tả Châu Phi diễn ra tốt đẹp, sau 72 giờ tiêm phòng đàn lợn đều khỏe mạnh, không có biểu hiện phản ứng phụ. Kết thúc buổi làm việc, Đoàn giám sát yêu cầu chủ trại chăn nuôi thực hiện theo đúng cam kết, ngoài ra thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, các quy định về điều kiện chăn nuôi được quy định Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Bà Hoàng Thị Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Đồn cho biết: trước khi có lịch tiêm phòng thí điểm, Chi cục cùng với cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện đã tổ chức gặp mặt Trang trại đủ điều kiện đăng ký tiêm vacxin để trao đổi, tư vấn và giải đáp những vướng mắc của người chăn nuôi. Sau khi tiêm, những đơn vị nói trên tiếp tục kết nối thường xuyên để đánh giá chính xác sức khỏe của đàn lợn.

Từ đầu năm 2023 đến nay bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra trên địa bàn 06 xã (Xuân Lạc, Bản Thi, Bằng Lãng, Lương Bằng, Bằng Phúc, Phương Viên). Làm chết và tiêu hủy 63 con lợn tương đương khối lượng 1.721kg. Vì vậy, việc triển khai thí điểm tiêm phòng vắc xin phòng bệnh DTLCP là điều rất cần thiết, đây là vắc xin mới được lưu hành trên thị trường nên cần có sự so sánh và có những kết quả cụ thể để người chăn nuôi tin tưởng, sử dụng mang lại niềm lạc quan phục hồi ngành chăn nuôi lợn sau suy giảm nặng nề do dịch tả lợn châu Phi gây ra. Chăn nuôi lợn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của huyện Chợ Đồn. Tuy nhiên từ năm 2019 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã khiến người chăn nuôi lợn chịu thiệt hại nặng nề. Việc tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh này được triển khai hiệu quả sẽ góp phần phòng chống dịch bệnh, phát triển bền vững ngành chăn nuôi này.

Vắc xin Avac ASF Live có đơn giá 69.000đ\liều tiêm/con lợn, thời gian bảo hộ của vắc xin kéo dài ít nhất 5 tháng. Căn cứ tình hình dịch bệnh, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu việc sử dụng vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi để phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; tổ chức lấy mẫu giám sát, đánh giá sau tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi. Trường hợp các đàn lợn của địa phương có thể đã nhiễm vi rút DTLCP thực địa và các mầm bệnh khác nhưng vẫn chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, nên khi đàn lợn được tiêm vắc xin DTLCP rất có thể có phản ứng, phát bệnh, bị chết và buộc phải xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh theo quy định. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam trong việc triển khai sử dụng vắc xin phòng bệnh DTLCP theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Báo cáo kết quả sử dụng vắc xin DTLCP (nếu có), đồng thời kịp thời có văn bản phản ánh đầy đủ, chính xác những khó khăn, vướng mắc đến cơ quan chuyên môn cấp tỉnh để phối hợp, xử lý.

 

Tác giả: Triệu Thị Hoàn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật