A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thêm một di tích được tôn tạo bằng nguồn kinh phí xã hội hóa

 Xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn có 07 di tích được công nhận di tích cấp tỉnh trong đó có 05 di tích lịch sử cách mạng và 02 di tích lịch sử văn hóa. Thời gian qua xã Bản Thi đã làm tốt tác tuyên truyền vận động xã hội hóa trong việc trông coi và tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn. 

 

 Một số hình ảnh tôn tạo di tích Phja Khao - Nha nghiên cứu kỹ thuật.

Di tích Lịch sử Phja Khao - Nha nghiên cứu kỹ thuật Quân giới được đặt tên theo địa danh của thôn Phja Khao xã Bản Thi, có độ cao xấp xỉ 1000 m so với mặt nước biển. Di tích lịch sử Phja Khao là nơi ở và làm việc của Nha nghiên cứu kỹ thuật Quân giới những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là địa chỉ đỏ có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với ngành Quân giới và đối với lịch sử vùng ATK Chợ Đồn.

Những năm 1946-1947, đất nước ta bước vào giai đoạn sau cách mạng tháng tám 1945 còn nhiều khó khăn, trong tình thế bị bao vây, cô lập Chính phủ ta phải tự lực, tự cường sản xuất vũ khí để trang bị cho bộ đội. Nha Nghiên cứu kỹ thuật Quân giới đóng tại Phja Khao bắt đầu hoạt động do kỹ sư Trần Đại Nghĩa phụ trách. Nhiệm vụ chính của Nha lúc này là tập trung vào nghiên cứu các loại vũ khí mới để đưa vào sản xuất và chiến đấu, như: Nghiên cứu và chế tạo thành công đạn Bazooka, áp dụng cộng nghệ dập sâu để dập thành công đạn AT chống cơ giới, chế tạo mìn nổ chậm phục vụ cách đánh bí mật bất ngờ của bộ đội địa phương và quân du kích… Những sáng kiến cải tiến, sửa chữa và sản xuất nhiều loại vũ khí trang bị kỹ thuật đã phục vụ kịp thời cho bộ đội, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tháng 12 năm 1947, Đại tướng Võ Nguyên Giáp Tổng chỉ huy quân đội và đoàn cán bộ đã đến Nha nghiên cứu kỹ thuật Quân giới đóng tại Phja Khao để thăm và nghe các đồng chí ở đây báo cáo về kết quả nghiên cứu SKZ. Tại đây, Đại tướng đã động viên cổ vũ kịp thời những thành tựu khoa học mà Nha nghiên cứu đã đạt được. Thời kỳ này Nha nghiên cứu kỹ thuật cũng đã đón các đồng chí cán bộ cao cấp như Tạ Quang Bửu, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt … Với ý nghĩa lịch sử quan trọng, di tích lịch sử Phja Khao địa điểm Nha nghiên cứu kỹ thuật Quân giới đóng và làm việc năm 1947 - 1948” xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, được xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 2333/QĐ-UBND ngày 03/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn.

Trong một lần đến thăm xưởng xưa (năm 1999), những đồng chí nguyên là cán bộ công nhân Nha nghiên cứu kỹ thuật Quân giới đã xây dựng bia ghi dấu ấn sự kiện lịch sử với nội dung “Nha nghiên cứu kỹ thuật Quân giới sau này là Viện Thiết kế vũ khí Tổng cục công nghiệp Quốc phòng đã đóng quân tại đây từ tháng 6 năm 1947 đến tháng 6 năm 1948”, bia được xây dựng ngay bên dưới gốc cây si chính diện vào điểm di tích, tuy nhiên trải qua thời gian dài chưa được tu bổ tôn tạo nên bia đã xuống cấp bong tróc, phần bia khắc chữ đã bị mờ làm cho du khách khó đọc nội dung.

 Di tích được tôn tạo khang trang.

Những năm gần đây các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ Viện Vũ khí Tổng cục công nghiệp Quốc phòng đã nhiều lần trở lại tham quan, nghiên cứu, học tập, sưu tầm tư liệu lịch sử và thăm lại nơi xưa, tưởng nhớ về những người đồng đội, bởi nơi đây đã có những chiến sỹ Nha nghiên cứu kỹ thuật Quân giới hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Tháng 12 năm 2023, Viện Vũ khí Tổng cục công nghiệp Quốc phòng đã trở lại, hỗ trợ tôn tạo cảnh quan, tu bổ sân nền, tường rào Di tích Lịch Sử Phja Khao - Nha nghiên cứu kỹ thuật Quân giới bằng nguồn kinh phí vận động, đóng góp của cán bộ, chiến sỹ, Đoàn  viên Thanh niên Viện Vũ khí Tổng cục công nghiệp Quốc phòng, gồm các hạng mục, sân nền, tường bao.

Đồng chí Đại tá Dương Quốc Toản - Bí thư Đảng uỷ, Chính trị viên Viện Vũ khí Tổng cục công nghiệp Quốc Phòng cho biết:  Hoạt động tham gia tôn tạo Di tích Lịch Sử Phja Khao -Nha nghiên cứu kỹ thuật Quân giới của Viện Vũ khí Tổng cục công nghiệp Quốc Phòng với mong muốn được góp phần cùng địa phương tôn tạo, gìn giữ di tích và tri ân đồng đội, nhớ về cội nguồn, nhớ về một thời gian khó mà hào hùng của các thế hệ đi trước để học tập, để làm theo, đây là trách nhiệm, vinh dự lớn lao của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Viện Vũ khí Tổng cục công nghiệp Quốc Phòng.

Trước đó, tháng 4 năm 2014, di tích Nhà máy in tiền Phja Tắc ở thôn Bản Nhượng xã Bản Thi được xây dựng, khánh thành nhân dịp nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Tài chính, công trình bao gồm bia lưu niệm Nhà máy in tiền, Nhà văn hóa thôn Bản Nhượng, Lớp học mầm non. Năm 2021 di tích lịch sử văn hóa Đền Phja Khao cũng đã được trùng tu tôn tạo bằng nguồn kinh phí xã hội hóa hơn 3 tỉ đồng.

Hoạt động về nguồn của lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ Viện Vũ khí Tổng cục công nghiệp Quốc Phòng.

Ông Lục Thanh Huyên, Phó chủ tịch UBND xã Bản Thi cho biết: Bản Thi là xã có nhiều điểm di tích, để bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, cấp ủy Đảng chính quyền địa phương luôn quan tâm tuyên truyền người dân việc bảo vệ cảnh quan môi trường, thực hiện nghiêm các bản quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ các điểm di tích, đồng thời kết nối, vận động các cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân góp sức, góp công tôn tạo, bảo vệ các điểm di tích bằng nguồn xã hội hóa để có được những điểm đến tham quan, học tập trang trang hơn nhằm phát huy được giá trị của các di tích trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và phát triển kinh tế nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Năm 2023 thêm một di tích được tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa trong một thời gian rất ngắn được các cấp các ngành tạo điều kiện phối hợp, đặc biệt là Viện Vũ khí Tổng cục công nghiệp Quốc Phòng,  không chỉ là trách nhiệm, là tình cảm của thế hệ trẻ Viện Vũ khí Tổng cục công nghiệp Quốc Phòng mà còn là trách nhiệm của địa phương chúng tôi để nối tiếp truyền thống quê hương cách mạng, đem lại niềm tự hào, niềm vui cho người dân nơi đây.

 Những hoạt động tham gia tôn tạo, xây dựng các điểm di tích của các tổ chức, cá nhân không chỉ góp phần cùng địa phương bảo vệ, gìn giữ  bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đưa ATK Chợ Đồn trở thành điểm “về nguồn”, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta mà còn là cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch phục vụ du khách tham quan học tập, nghiên cứu, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.

Tác giả : Hà Tuyết, Phòng VHTT ( Nguồn tư liệu Hồ sơ di tích Phja Khao)

 

 

 

 

 

 

 


Tin liên quan