Việc tiêu huỷ lợn dịch tả lợn Châu Phi được người dân xử lý theo đúng quy trình.
Trong đó, có xã Tân Lập là 1 trong 17 xã, thị trấn có đàn lợn bị mắc bệnh dịch và buộc phải tiêu hủy cao với 07 thôn có dịch. Số lợn mắc và bị tiêu huỷ là 262 con, với hơn 09 nghìn 600 kg. Đến nay xã Tân Lập đã được công bố hết dịch. Dịch xảy ra tại 17/22 xã thị trấn, có 69 thôn và 244 hộ chăn nuôi có lợn bị dịch. Tổng số lợn mắc bệnh, chết buộc phải tiêu hủy 1.204 con lợn với trọng lượng 40 nghìn 531 kg. Hiện tại đã có 10 xã là Tân Lập, Đồng Thắng, Phương Viên. Thị trấn Bằng Lũng, Đại Sảo, Đồng Lạc, Lương Bằng, Quảng Bạch, Yên Thượng, Yên Phong đã công bố hết dịch.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi ( DTLCP) trên địa bàn, Ngày 29/7/2024, Ủy ban nhân dân huyện có công văn số 2155, công văn chỉ đạo về việc quyết liệt triển khai công tác tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện. Ngày 17/7/2024, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Văn bản số 1994/UBND-NN&PTNT về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm vắc xin phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ tổ chức triển khai thực hiện rà soát nhu cầu, tổng hợp danh sách đăng ký tiêm vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, báo cáo về Ủy ban nhân dân huyện. Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, tính đến ngày 28/7/2024 có 17 đơn vị đã triển khai cho các hộ dân đăng ký tiêm vắc xin DTLCP được 1.382 con; còn 03 đơn vị chưa có số liệu báo cáo gồm: Đồng Thắng, Yên Mỹ, Lương Bằng. Tuy nhiên đến nay, chưa có đơn vị nào tổ chức triển khai thực hiện việc tiêm phòng (các hộ dân đã tự tiêm được 566 con).
Để tổ chức triển khai công tác tiêm phòng vắc xin DTLCP đảm bảo đúng tiến độ Kế hoạch, Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn quyết liệt chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Rà soát, thống kê chính xác tổng đàn lợn hiện có; yêu cầu các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trên địa bàn có trách nhiệm kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Khoản 1, Điều 54, Luật Chăn nuôi. Triển khai ngay việc tổ chức thực hiện tiêm phòng: Đề nghị Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội phối hợp vào cuộc quyết liệt trong công tác tuyên truyền, triển khai tiêm phòng, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, khống chế dịch bệnh tại địa phương. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác tiêm phòng đạt hiệu quả: Trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ chống dịch, kim tiêm, xi lanh, thuốc sát trùng để khử trùng trước và sau khi tiêm…; Xây dựng kế hoạch lịch tiêm cụ thể, bố trí thời gian tiêm hợp lý trên cơ sở số lượng đăng ký tiêm của các hộ. Trao đổi thống nhất với các hộ chăn nuôi có số lượng lợn ít (dưới 10 con), thực hiện tiêm ghép giữa các hộ để sử dụng hết lọ vắc xin (lọ 10 liều, 25 liều) nhằm hạn chế lãng phí vắc xin và đảm bảo thời gian sử dụng lọ vắc xin đã pha theo quy định. Sử dụng vắc xin và xử lý sự cố sau tiêm phòng theo Hướng dẫn số 330/HD-CNTY về kỹ thuật tiêm phòng và sử dụng vắc xin và cách xử lý đàn lợn bị phản ứng sau tiêm, phòng vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi.
Đối với các hộ, tổ chức tự chủ động tiêm phòng vắc xin DTLCP, đề nghị hộ, tổ chức chăn nuôi ký Bản cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi (đã chỉ đạo tại Văn bản số 1994/UBND-NN&PTNT ngày 17/7/2024); UBND các xã, thị trấn báo cáo kết quả thực hiện về UBND huyện trước ngày 30/8/2024. Trường hợp các hộ, tổ chức không thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; không đăng ký kê khai hoạt động chăn nuôi sẽ không thực hiện hỗ trợ khi có dịch bệnh xảy ra (quy định tại Điều 4, Nghị định 02/2017/NĐ-CP). Báo cáo kết quả tiêm phòng vắc xin DTLCP, các trường hợp sự cố sau tiêm phòng về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trước 16 giờ 00 phút hàng ngày. Thống kê các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y có bán vắc xin DTLCP; hướng dẫn chủ cơ sở ghi chép số lượng vắc xin đã bán hàng ngày…
Chăn nuôi tái đàn sau dịch cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột.
Tổ chức tái đàn sau khi công bố hết dịch: Đối với các địa phương đã công bố hết dịch, người dân có nhu cầu chăn nuôi tái đàn, đề nghị Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai, hướng dẫn hộ gia đình, tổ chức chăn nuôi thực hiện các biện pháp sau: Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi, áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Yêu cầu nhập con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Trường hợp con giống có nguồn gốc từ địa bàn tỉnh khác phải có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút DTLCP, có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi xuất phát cấp. UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh./.
Tác giả: Hoàng Lan