Ông Chảo Phái Lừ giới thiệu về các loại nhạc cụ dân tộc Mông mà ông đang sử dụng.
Trong ngôi nhà gỗ truyền thống của gia đình, ông Chảo Phái Lừ, treo đủ loại nhạc cụ trên vách tường, đó là những chiếc khèn, sáo, đàn… chiếc nào cũng được chau chuốt, đẹp đẽ. Theo ông Chảo Phái Lừ, ông không chỉ yêu quê hương mà còn là người yêu các làn điệu của dân tộc mình, nên từ khi còn trẻ ông đã tìm tòi, học hỏi cách làm một số nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Mông; đầu tiên là làm từ cái đơn giản đó là chiếc sáo bằng trúc rồi đến những cái khó hơn như đàn nhị, sáo bầu, khèn Mông, ban đầu ông nhìn và bắt trước làm dần để thành quen tay và thạo nghề.
Loại nhạc cụ đầu tiên ông học và sử dụng được đó là chiếc sáo Mông, sau này vì đam mê ông đã học bạn bè, những người đi trước và đến nay đã sử dụng thành thạo thêm một số loại nhạc cụ khác, như: sáo bầu, đàn nhị, đàn tính, khèn Mông, khèn lá, pí lèn… Với ông Lừ đam mê chơi các nhạc cụ dân tộc như đã thấm vào máu thịt, cứ lúc nào rảnh rỗi ông lại chơi các nhạc cụ của mình, mong muốn quyên đi cái mệt mỏi sau những ngày lao động vất vả.
Theo ông Lừ, “nhạc cụ dân tộc Mông có nhiều loại, nhưng để thổi được hay ngoài hiểu biết về nó thì người chơi cần có niềm đam mê, yêu thích thì mới thuyết phục người nghe”.
Thời gian qua, để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông, ông Chảo Phái Lừ đã hướng dẫn, truyền dạy một số nhạc cụ cho con trai của mình đó là em Chảo Mý Giàng. Em Giàng từ nhỏ đã được nghe rất nhiều nhạc cụ của bố và em thích nhất là tiếng sáo Mông, do đó từ năm học lớp 6 em đã học thổi sáo Mông, đến nay e đã thổi được một số bài như, xuân về trên bản Mông, người mèo ơn Đảng, phiên chợ vùng cao…
Em Chảo Mý Giàng ( mặc áo trắng ở giữa) đã sử dụng thuần thục chiếc sáo Mông do ông Lừ dạy.
Em Chảo Mý Giàng chia sẻ “Vì thích những nhạc cụ của dân tộc mình nên em đã được bố dạy cho thổi sáo Mông, ban đầu em cũng thấy khó vì ngón tay không theo kịp sáo nhưng nhờ chịu khó học hỏi, tập luyện dần em đã thuần thục thổi được nhiều bài hát bằng sáo Mông; hiện na,y em vẫn đang tiếp tục học phấn đấu thổi được những bài hát bằng tiếng Mông và học thêm một số nhạc cụ khác như khèn Mông, đàn tính… mong muốn góp sức mình cùng bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông”.
Ngoài dạy cho các con, ông Lừ còn dạy thổi sáo, múa khèn, chơi đàn nhị cho một số người dân trong bản, mỗi khi trong thôn, xã có những hoạt động giao lưu văn nghệ ông được mời tham gia biểu diễn một số nhạc cụ dân tộc Mông. Nhạc cụ dân tộc Mông có nhiều loại rất khó làm, muốn thổi cho hay, cho điêu luyện thì mất khá nhiều thời gian để học. Riêng ông, vì say mê, vì yêu nhạc cụ dân tộc nên cứ tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm của bạn bè dần dần thổi hồn vào các nhạc cụ, để mỗi khi tiếng sáo, tiếng khèn cất lên mới thuyết phục, thu hút người nghe.
Ông Chảo Phái Lừ tham gia nhiều chương trình văn nghệ trong và ngoài địa phương tổ chức.
Những năm qua, nhiều lần ông Lừ được mời tham gia các chương trình biểu diễn văn nghệ của xã, huyện và tham gia các cuộc thi khu vực và toàn quốc, một trong những chương trình ông tham gia đạt giải cao là tại Ngày hội văn hóa dân tộc Mông tại tỉnh Lai Châu tổ chức năm 2021, ông đã cùng các nghệ nhân dành nhiều giải cao. Ngoài ra, con trai ông Chảo Mý Giàng cũng vậy, một số chương trình văn nghệ ở trường em đã tham gia thổi sáo Mông, đặc biệt tại Liên hoan nghệ thuật Măng non năm 2024 do huyện tổ chức em Giàng đã tham gia tiết mục độc tấu sáo “Xuân về trên bản Mông” và đạt giải nhạc cụ hay nhất.
Em Chảo Mý Giàng độc tấu sáo Mông ( con ông Lừ) tại Liên hoan nghệ thuật Măng non cấp huyện năm 2024.
Nói về ông Chảo Phái Lừ, bà Ma Thị Ngân, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: “Thời gian qua, địa phương cũng tuyên truyền, vận động cho ông và gia đình tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông, đồng thời truyền dạy cho thế hệ trẻ biết và sử dụng những nhạc cụ của dân tộc mình, để duy trì bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn xã”.
Ông Lừ vẫn miệt mài chế tác các loại nhạc cụ dân tộc Mông, với mong muốn các loại nhạc cụ dân tộc sẽ được lưu giữ và truyền lại cho các lớp trẻ học hỏi, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp của đòng bào dân tộc Mông.
Tác giả: Thu Thúy