A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Duy trì và phát triển giống cây Đào toáng ở xã Nam Cường

       Nhằm bảo tồn nguồn gen giống cây đào toáng địa phương để nhân giống và xây dựng mô hình trồng cây đào toáng tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương theo đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, từ năm 2020 Uỷ ban nhân dân huyện đề xuất và được Hội đồng khoa học tỉnh Bắc Kạn phê duyệt Đề tài nghiên cứu và phát triển cây đào toáng tại xã Nam Cường, huyện đã giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện, đến nay đề tài bước đầu đã đem lại kết quả.

 Ngành chuyên môn kiểm tra, nghiệm thu Đề tài nghiên cứu và phát triển cây đào toáng tại thôn Bản Lồm.

Cây đào toáng được trồng tại một số xã khu Bắc của huyện như xã Tân Lập, xã Nam Cường từ mấy chục năm về trước, cây đào được người dân trồng rải rác trên các nương canh tác ngô và vườn gần nhà. Giống đào toáng thường cho quả to, khi chín có vị ngọt, giòn, thịt dày, ít sâu bệnh. Đặc điểm của giống đào toáng ra hoa, tạo quả muộn, vào khoảng tháng 3, tháng 4 mùa quả chín vào tháng 7;  hoa có cánh to, màu hồng đẹp. Tuy nhiên, những năm gần đây người dân không quan tâm chăm sóc, bảo vệ nên một số cây già cỗi, sâu bệnh, kém phát triển, sai ít hoặc không có quả, nên các hộ đã đào gốc đem bán, do vậy giống đào này có nguy cơ thoái hóa và tuyệt chủng.

Để phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và đặc tính sinh học của cây Đào toáng, đồng thời giúp địa phương và bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích đất ven đồi, đồng thời nhằm lưu giữ và phát triển cây đào toáng theo hướng tập trung tạo thành vùng trồng đào, tạo thành hàng hoá đặc hữu và nhằm gắn với phát triển du lịch sinh thái của xã, huyện, Đề tài Nghiên cứu và phát triển cây Đào toáng tại xã Nam Cường đã được triển khai. Mục tiêu trong cả giai đoạn 2020 đến 2024 là cải tạo 40 cây đào toáng hiện; bình tuyển 5-10 cây đầu dòng để lấy cành ghép nhân giống; xây dựng mô hình trồng mới 3ha. Các hộ tham gia được hỗ trợ cây giống, vật tư, phân bón, vôi và hướng dẫn khoa học kỹ thuật. Nhờ triển khai Đề tài, cây đào toáng mà diện tích đào bản địa có cơ hội khôi phục.

Ông Triệu Tiến Long, Trưởng thôn Bản Lồm, xã Nam Cường chia sẻ: cây đào toáng đã có từ lâu được trồng ở nương đồi, phù hợp với khí hậu, đất đai của thôn. Thực hiện trồng theo Đề án được triển khai tại địa phương, diện tích đào của bà con phát triển khá tốt. Cây đào toáng có đặc điểm là cánh hoa to, đỏ đậm, khi chín quả to, thơm, ngon và tiêu thụ thuận lợi… ông cũng như các hộ dân mong muốn tiếp tục được hỗ trợ và nhân rộng diện tích trong thời gian tới để tạo công ăn việc làm và thu nhập cho bà con.

Qua thực hiện, đến nay đã có 40 cây của 16 hộ dân được cải tạo, thí điểm trồng mới 3ha, diện tích phát triển tốt và tuyển chọn, công nhận được 6 cây đầu dòng để nhân giống.

Chị Bàn Thị Âm, thôn Bản Lồm, đăng ký trồng đào với tổng số 140 cây. Được hỗ trợ hoàn toàn về giống, vật tư phân bón, đặc biệt là những kiến thức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chị đã tập trung chăm sóc vườn đào. Để cây phát triển tốt, chị thường xuyên thăm đồi phát, dọn cỏ, trồng xen cây đậu, đỗ và thực hiện quy trình bón phân đúng thời điểm, do đó cây đào phát triển tốt. Theo chị Âm, năm 2023, một số cây đào đã ra hoa, bói quả và vụ năm nay hầu hết các cây đều đã ra hoa dự kiến tỷ lệ cây cho quả sẽ nhiều hơn năm trước.

 Diện tích đào toáng ở Bản Lồm được người dân chăm sóc theo quy trình kỹ thuật.

Diện tích cây đào thuộc đề tài nghiên cứu sinh trưởng, phát triển tốt, các hộ thực hiện làm cỏ, bón phân, quét vôi gốc, cắt tỉa cành sâu bệnh, cành vượt... theo hướng dẫn kỹ thuật. Đặc biệt, các hộ đã chú trọng trồng xen giữa khoảng cách các cây đào bằng một số loại cây họ đậu để tăng thu nhập và làm phân xanh, cố định đạm trong đất, góp phần hạn chế xói mòn đất, cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ đó người dân có thể canh tác lâu dài bền vững trên mô hình của mình.

Với sự triển khai thành công của Đề tài nghiên cứu và phát triển cây đào toáng tại xã Nam Cường sẽ là cơ sở để địa phương mở rộng diện tích cây đào, thâm canh lớn hơn, đưa quả đào toáng trở thành sản phẩm hàng hoá đặc sản, góp phần tăng thu nhập, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương. Giảm bớt khai thác tài nguyên rừng, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất dốc, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái khu vực miền núi./.

Tác giả: Thu Thúy

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Tin liên quan