A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại động vật

Căn cứ Thông báo kết quả xét nghiệm bệnh Dại động vật ngày 25/01/2024 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn tại thôn Hợp Tiến, xã Bản Thi đã có chó bị dương tính với vi rút dại. Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện tại văn bản số 234/UBND-TTDVNN, ngày 25/01 về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Dại động vật, sáng ngày 26/01 xã Bản Thi đã triển khai ngay việc tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch tại thôn Hợp Tiến và Bản Nhượng.

 Viên chức Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đang kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm.

Bệnh Dại là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở động vật máu nóng gây ra do vi rút. Động vật sau khi nhiễm vi rút dại có thời gian ủ bệnh khác nhau tuỳ thuộc loài, độc lực của vi rút và vị trí vết cắn. Vi rút xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá huỷ mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn, nhưng trước 10 ngày phát bệnh, vi rút có thể gây nhiễm cho người và động vật khác. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng.

Sức đề kháng của vi rút dại: Vi rút có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt ở nhiệt độ 560C trong vòng 30 phút, ở 600C trong 5 -10 phút và ở 700C trong 2 phút. Vi rút bị mất độc lực dưới ánh nắng mặt trời và các chất sát trùng thông thường ở nồng độ 2-5%. Trong điều kiện lạnh 40C, vi rút sống được từ vài tuần đến 12 tháng, ở nhiệt độ dưới 00C vi rút sống được từ 3 đến 4 năm. Vi rút dại được bảo tồn chủ yếu trong cơ thể vật chủ.

Ông Khổng Thanh Tiềm, Chủ tịch UBND xã Bản Thi, cho biết: với mục tiêu bao vây ổ dịch và dập dịch trong thời gian sớm nhất, UBND xã Bản Thi đã phối hợp với viên chức Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, huy động lực lượng ở xã, thôn thành lập 04 tổ triển khai tiêm phòng cho đàn chó, mèo và phun thuốc khử trùng tiêu độc tại thôn Hợp Tiến và Bản Nhượng, nơi có dịch dại động vật được 197 con chó, mèo. Đồng thời, phân công cán bộ xã thực hiện tuyên truyền, vận động người dân phối hợp trong tiêm phòng và giám sát quá trình tiêm đảm bảo theo quy định. Các thôn còn lại, UBND xã sẽ triển khai phun thuốc khử trùng tiêu độc, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huy động lực lượng thú y xã khác tiêm phòng trong ngày 29/01/2024.

  Theo số liệu tổng hợp sơ bộ của Thú y xã Bản Thi, thôn Hợp Tiến và Bản Nhượng hiện có 212 con chó, mèo; trong khoảng nửa tháng qua trên địa bàn 2 thôn đã có 7 con chó bị chết không rõ nguyên nhân và đã cắn 03 người dân trong thôn, trong đó có 1 con lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương xét nghiệm có kết quả dương tính với vi rút dại. Trước thực tế đó, sau khi được tuyên truyền, vận động các hộ dân nuôi chó, mèo trên địa bàn thôn Hợp Tiến và Bản Nhượng đã hưởng ứng việc tiêm phòng bằng cách thực hiện nhốt chó, mèo để cán bộ Thú y đến tiêm.

Ông Nguyễn Văn Hậu, thôn Hợp Tiến cho biết: hiện gia đình đang nuôi 5 con chó và 2 con mèo, sau khi biết có dịch dại bùng phát tại thôn, để bảo toàn đàn vật nuôi tránh khỏi dịch dại cũng như sự an toàn của mọi người trong gia đình và thôn bản ông Lăng đã đăng ký với cán bộ Thú y xã để tiêm phòng đàn chó.

Tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó mèo tại thôn Bản Nhượng.

Cũng theo văn bản số 234/UBND-TTDVNN về về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Dại động vật, ngoài xã Bản Thi, UBND huyện chỉ đạo xã Yên Thịnh (vùng dịch uy hiếp) triển khai tiêm phòng trong ngày 31/01/2024. Đối với các xã khác, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tiêm bổ sung đảm bảo đạt 100% chó, mèo trong diện tiêm. Tăng cường công tác tuyên truyền đến Nhân dân về các triệu chứng, dấu hiệu nhận biết bệnh dại; chủ vật nuôi có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát chó, mèo nuôi của gia đình, nếu phát hiện con vật vô cớ cắn, cào người hoặc tấn công động vật khác thì phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc nhân viên Thú y xã.

Xử lý động vật khi có dịch dại xảy ra, tiêu huỷ bắt buộc động vật chết, động vật mắc bệnh Dại. Khuyến  khích  tiêu  hủy  chó,  mèo  có dấu  hiệu mắc bệnh Dại; trường hợp không tiêu hủy phải nuôi cách ly để theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu phát bệnh Dại thì phải tiêu hủy theo quy định. Khuyến khích tiêu hủy chó, mèo chưa được tiêm phòng vắc xin Dại nhưng đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh Dại; trường hợp không tiêu hủy phải nuôi cách ly để theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu phát bệnh Dại thì phải tiêu hủy theo quy định. Chó, mèo vô cớ cắn, cào người phải nuôi cách ly để theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu phát bệnh Dại thì phải tiêu hủy theo quy định. Đối với chó, mèo khỏe mạnh trong vùng có dịch bệnh Dại phải thực hiện nuôi nhốt trong thời gian có dịch. Việc xử lý động vật mắc bệnh phải được thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Dại hoặc được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kiểm tra, xác minh và kết luận động vật bị mắc bệnh Dại.

UBND huyện cũng lưu ý, trường hợp không thực hiện tiêm phòng được; hoặc tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp UBND các xã, thị trấn có văn bản báo cáo giải trình lý do nguyên nhân và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện khi có dịch bệnh xảy ra.

Tác giả: Triệu Thị Hoàn, Trung tâm DVNN

 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin nổi bật Tin nổi bật