Du khách tham quan tại di tích Khuổi Linh - nơi ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh- nguyên Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng và nơi làm việc của Văn phòng Trung ương Đảng cuối năm 1950, đầu năm 1951.
Quần thể Di tích lịch sử đặc biệt ATK Chợ Đồn gồm 25 điểm di tích, trong đó có 6 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và hiện nay còn hơn 40 điểm di tích đang tiếp tục được thống kê lập hồ sơ. Các điểm di tích chủ yếu phân bổ dọc quốc lộ 3C, từ địa phận xã Bằng Lãng, Lương Bằng đến các xã Nghĩa Tá, Bình Trung và xã Bản Thi.
Mỗi điểm di tích đều có những giá trị riêng về lịch sử, tạo nên một quần thể di tích đặc biệt của một vùng chiến khu xưa. Nhắc đến An toàn khu Chợ Đồn, không thể không nhắc đến Di tích Pù Cọ thuộc thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá là nơi ghi dấu sự kiện gặp gỡ của đoàn quân Nam Tiến - Bắc Tiến vào tháng 10 năm 1943. Di tích Bản Ca, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc cuối năm 1947 tại thôn Bản Ca, xã Bình Trung. Di tích Nà Pậu nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cuối năm 1950, đầu năm 1951, tại thôn Nà Tẳng, xã Lương Bằng, di tích Đồi Khau Mạ thuộc thôn Bản Vèn, xã Lương Bằng là nơi đồng chí Phạm Văn Đồng - nguyên Thủ tướng Chính phủ ở và làm việc từ đầu năm 1950 đến mùa hè năm 1951. Di tích Khuổi Linh thuộc thôn Nà Đeng, xã Nghĩa Tá, là nơi ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh - nguyên Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng và nơi làm việc của Văn phòng Trung ương Đảng cuối năm 1950, đầu năm 1951. Di tích Nà Quân thuộc thôn Nà Quân xã Bình Trung là nơi cơ quan Trung ương Đảng đặt Hội trường làm việc trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1948-1952. Cùng với các di tích gắn với hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pác Bó - Cao Bằng về Tân Trào - Tuyên Quang, tháng 5 năm 1945 và các di tích Báo Cứu quốc, Báo Sự thật, di tích đặt cơ quan Hậu Cần- Bộ Quốc Phòng năm 1948-1950, di tích Nà Kiến nơi tổ chức Lễ bế giảng khóa 2, khóa 3 trường Võ bị Trần Quốc Tuấn tháng 10 năm 1947, di tích Nha nghiên cứu kỹ thuật, di tích nền Xưởng Quân giới, di tích Phja Tắc - điểm Nhà máy in tiền thuộc Bộ Tài chính năm 1947-1951, Hệ thống đường dây cáp tời quặng tại xã Bản Thi …
Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại di tích Nà Pậu nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cuối năm 1950, đầu năm 1951.
Ngoài những di tích lịch sử cách mạng, khi đến với vùng ATK Chợ Đồn, du khách có thể trải nghiệm văn hóa tâm linh tại 2 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đó là Đền Phja Khao tại thôn Phja Khao, Đền Tiên Sơn tại thôn Hợp Tiến, xã Bản Thi và trải nghiệm, khám phá sự phong phú đa dạng của Khu bảo tồn loài -sinh cảnh Nam Xuân Lạc.
Một trong những thế mạnh vùng ATK Chợ Đồn là cảnh quan, môi trường ở khu vực các di tích, đây là yếu tố rất quan trọng trong tổng thể và là một phần không thể thiếu, tạo nên nét đặc trưng và giá trị của di tích. Đến đây du khách vẫn sẽ được ngắm “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”, sải bộ trong khuôn viên di tích Khuổi Linh dưới tán rừng cọ 100 tuổi, được nghe tiếng suối nước róc rách chảy về thượng nguồn dòng sông Phó Đáy, vẫn đó “rừng nứa, bờ tre” “ trám bùi”, “măng mai” và những dãy núi non trùng điệp của cách đây hơn nửa thế kỷ từng là “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”…
Người dân nơi đây chất phác, thuần hậu, thân thiện, luôn giữ được những nét bản sắc văn hóa riêng của các dân tộc Tày, Nùng, Dao… Với đặc điểm địa lý nằm trong vùng chiến khu Việt Bắc, chủ yếu phân bổ dọc quốc lộ 3C, đường xá đi lại dễ dàng nên toàn bộ các khu di tích hiện nay vẫn giữ được những nét đặc trưng của miền núi vùng Đông Bắc, hài hòa với không gian, cảnh quan môi trường và đa dạng sinh cảnh tạo nên một bức tranh thiên nhiên hữu tình. Cảnh quan đẹp, khí hậu trong lành, văn hóa đậm đà bản sắc đã làm tăng giá trị của quần thể di tích ATK Chợ Đồn.
Bà Hải người trông coi di tích Nà Pậu tâm sự: Tôi và cả gia đình tôi luôn có cảm xúc và tự hào vì mình được sinh ra ở vùng quê cách mạng. Nhà tôi ngay sát điểm di tích, ngày xưa mẹ tôi (nhân chứng lịch sử) thường kể cho chúng tôi nghe về lịch sử di tích cách mạng này. Ngày nay các đoàn đến tham quan, dâng hương ở đây nhiều, vì vừa thuận đường lại là điểm rất đặc biệt, ngoài nơi ở và làm việc của Bác Hồ, còn có lán cảnh vệ được phục dựng, hầm trú ẩn, gốc đa, dòng suối có hòn đá xưa Bác Hồ ngồi câu cá…. Tôi cảm nhận được những du khách đến đây đều với mong muốn để tìm hiểu thêm về lịch sử di tích, thêm hiểu về nguồn cội và chặng đường cách mạng gian khó mà vinh quang của dân tộc Việt Nam mình.
Các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện Chợ Đồn là những di tích đã gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của của Nhân dân cả nước nói chung, Nhân dân các dân tộc Việt Bắc và vùng An toàn khu Chợ Đồn nói riêng, là những bằng chứng trung thực, sống động để các nhà sử học và khách tham quan có thể nghiên cứu, tìm hiểu, học tập…
Chị Nguyễn Thị Việt Bắc du khách đến từ Hà Nội nói: đến tham quan các di tích ở đây chúng tôi cảm nhận sâu sắc vị trí quan trọng đặc biệt của vùng an toàn khu xưa, nơi Đảng và Bác Hồ chọn làm căn cứ địa, cảm phục lòng yêu nước và ý chí cách mạng của các thế hệ cha ông, trong những năm tháng gian khổ khó khăn nhưng vẫn kiên trung, bất khuất, bề bỉ vượt qua để cả nước “trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”. Mỗi di tích ở đây đều có những sự kiện quan trọng gắn với cách mạng Việt Nam, rất cần cho thế hệ trẻ biết đến để giáo dục truyền thống cách mạng và có những hiểu biết về mảnh đất ATK anh hùng.
Du Khách tham quan di tích Phja Tắc- điểm Nhà máy in tiền thuộc Bộ Tài chính năm 1947-1951.
Sở hữu một hệ thống di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và phong cảnh hùng vĩ do thiên nhiên ban tặng, cùng với những giá trị văn hóa truyền thống, những nét độc đáo riêng có, đậm đà bản sắc của các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện, mảnh đất ATK Chợ Đồn có một nguồn tài nguyên du lịch về nguồn phong phú – một hành trình văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của một vùng chiến khu xưa.
Hiện nay, Chợ Đồn đã và đang tập trung phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt và các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, phát triển các sản phẩm du lịch. Đó là một trong những nội dung được xác định trong Ðề án “Quản lý và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Chợ Đồn giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” hướng tới mỗi di tích - một “địa chỉ đỏ” đều là “điểm đến” mang lại những kiến thức giá trị về lịch sử, những khám phá mới lạ về vùng đất và con người, cùng với những trải nghiệm trọn vẹn cho du khách./.
Tác giả : Hà Tuyết- Phòng VHTT