|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo Cứu Quốc trên quê hương ATK Chợ Đồn

Năm 1946, thực hiện Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ chọn căn cứ địa Việt Bắc làm Vùng An toàn khu (ATK). Để đảm bảo an toàn bí mật, các cơ quan Trung ương lần lượt rời thủ đô Hà Nội lên ở và làm việc tại ATK. Trong đó có Báo Cứu Quốc (tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết) đã chuyển đến một số địa điểm trên địa bàn huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn để đảm bảo an toàn phục vụ công cuộc kháng chiến.

 Địa điểm Di tích Báo Cứu Quốc chuyển đến ở và làm việc năm 1948-1949, tại Khuổi Áng, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn.

Trong thời kỳ này, huyện Chợ Đồn là nơi nhiều cơ quan, đơn vị, kho tàng của Trung ương lần lượt được chuyển về đây. Từ cuối năm 1946 -1947 tại thôn Che Ngù, xã Yên Thượng, cơ quan Báo Cứu Quốc đã chuyển đến đây ở, làm việc phục vụ kháng chiến. Trong thời gian ở Che Ngù, cơ quan Báo Cứu Quốc cùng một số cơ quan khác đã được bà con Nhân dân, lực lượng thanh niên và đội du kích địa phương đóng góp sức người, sức của, đóng góp những vật liệu cần thiết để dựng lán trại cho cơ quan, đơn vị làm việc, giữ bí mật đùm bọc, bảo vệ an toàn nhất để phục vụ kháng chiến.

Báo Cứu Quốc đã bám sát định hướng chính trị của Ðảng và Mặt trận, xuất bản các số báo động viên toàn quân, toàn dân tinh thần đoàn kết, kháng chiến bền bỉ. Báo còn thu hút được rất nhiều cộng tác viên là cán bộ quân sự, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng tham gia viết bài cho kháng chiến. Đặc biệt thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài trong chuyên mục "Chuyện gần xa" trên Báo Cứu Quốc với bút danh "Ð.X". Ðồng chí Trường Chinh đánh giá: "Chúng ta có Báo Cứu Quốc Trung ương, lại có Báo Cứu Quốc ở khắp các liên khu kháng chiến. Ðó là tờ báo hằng ngày duy nhất của Đảng và Nhân dân ta trong thời kỳ này. Chỉ riêng việc ra báo đều đặn suốt gần 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, cũng có thể nói, đó là một kỳ tích của Nhân dân ta".

Tờ Báo đã khảng định vai trò, sứ mệnh của mình với vận mệnh của dân tộc, các bài viết đã kịp thời cổ vũ động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hăng hái tham gia các hoạt động cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chông thực dân Pháp.

Với vai trò lịch sử, Di tích lịch sử Che Ngù, địa điểm trụ sở Báo Cứu quốc đóng và làm việc từ năm 1946 – 1947,  đã  được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn lập hồ sơ công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 2334/QĐ-UBND ngày 03/12/2021.

 Di tích lịch sử Che Ngù, địa điểm trụ sở Báo Cứu Quốc đóng và làm việc từ năm 1946 – 1947 tại xã Yên Thượng.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, các cơ quan của Trung ương Đảng và Chính phủ của ta phải di chuyển, thay đổi nhiều địa điểm khác nhau để bảo đảm an toàn trong hoạt động. Do vậy từ năm 1948-1949, cơ quan Báo Cứu Quốc chuyển đến ở và làm việc tại Khuổi Áng, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn do đồng chí Xuân Thủy phụ trách.

Tại đây vào giữa năm 1949 với tư cách là người đứng đầu Báo Cứu Quốc, đồng chí Xuân Thủy đã đề xuất với cấp trên và trực tiếp đứng ra tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ báo chí của Tổng bộ Việt Minh. Đó là lớp học báo chí đầu tiên của nước ta mang tên Huỳnh Thúc Kháng. Chính cơ quan Báo Cứu Quốc đã trở thành nơi đào tạo những người làm báo cách mạng đầu tiên. Báo Cứu Quốc giai đoạn này đã góp phần quan trọng vào công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Di tích Khuổi Áng, nơi đặt trụ sở Báo Cứu Quốc năm 1949 tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn đã được đưa vào danh mục 25 điểm di tích trong quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/1016.

 Báo Cứu Quốc đưa tin về chiến sự - Nguồn ảnh “ Đất và Người ATK Chợ Đồn”.

Huyện Chợ Đồn có một vị trí đặc biệt quan trọng, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chợ Đồn được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm An toàn khu (ATK) trong vùng Chiến khu Việt Bắc. Với các sự kiện lịch sử đặc biệt thời kỳ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, năm 2016 ATK Chợ Đồn được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, năm 2019 được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Chợ Đồn là vùng An toàn khu. 

Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Chợ Đồn đã vinh dự được chọn 2 địa phương để đặt trụ sở Báo Cứu Quốc. Tuy nhiên, hiện nay cả 2 điểm Di tích này đều chưa có bia ghi dấu sự kiện, chưa được phục hồi tôn tạo.

Mong muốn của người dân và chính quyền địa phương, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sớm đặt bia ghi dấu sự kiện Di tích, xây dựng khuôn viên Di tích xứng đáng với lịch sử của Báo Cứu Quốc, tiếp tục bảo vệ, phát huy giá trị Di tích, để Di tích trở thành nơi sinh hoạt chính trị, hướng về cội nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ./.

 Tác giả: Hà Tuyết ( Nguồn: Hồ sơ di tích)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin nổi bật Tin nổi bật