A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng (Bài 1)

Việc quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế, xã hội. Trong thời gian qua, huyện Chợ Đồn đã nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rừng, đất rừng, tăng độ che phủ rừng thông qua các hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế nạn chặt phá, khai thác rừng, sử dụng đất rừng bừa bãi...nhằm bảo vệ tốt nhất diện tích rừng đang có. Để làm tốt điều đó, công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết được huyện quan tâm triển khai tuyên truyền.

Cháy rừng ở xã Yên Thượng năm 2024.

Theo đó công tác phòng cháy và chữa cháy rừng phải lấy hoạt động phòng ngừa là chính; chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời cháy rừng. Chủ động, sẵn sàng nhân lực, nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng. Thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng phải được thông báo nhanh chóng, kịp thời cho chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chịu trách nhiệm về phòng cháy và chữa cháy rừng.

Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, bao gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Chỉ đạo, chỉ huy thống nhất; phối hợp chặt chẽ các lực lượng tham gia chữa cháy rừng.Trong quá trình chữa cháy rừng đảm bảo an toàn theo thứ tự ưu tiên: người, tài sản, các công trình, phương tiện, thiết bị tham gia chữa cháy rừng.

Tuyên truyền đến người dân, khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng, người sử dụng lửa phải thực hiện, biện pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy; Không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Trong ngày, tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 9 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều. Trước khi đốt thực bì ít nhất 1 ngày, chủ rừng phải thông báo thời gian đốt, địa điểm đốt với Tổ trưởng, Trưởng thôn hoặc với cơ quan Kiểm lâm gần nhất, để kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, kịp thời bố trí lực lượng canh phòng, triển khai lực lượng hỗ trợ khi xảy ra cháy.

Kỹ thuật đốt: đốt lần lượt từng dải thực bì, thứ tự từ trên đỉnh đồi xuống chân đồi; nơi đất bằng thì đốt lần lượt từ dải vật liệu cuối chiều gió cho đến dải vật liệu cuối cùng. Phát dọn toàn bộ thực bì, phơi khô và vun thành giải rộng 2-3m, giải nọ cách giải kia 5-6m; giải sát bìa rừng phải cách xa rừng từ 15-20m tùy vào độ dốc, đốt lúc gió nhẹ; đốt lần lượt từng giải, thứ tự từ trên sườn đồi xuống chân đồi. Khi đốt thực bì phải có người canh gác. Đốt xong, kiểm tra toàn bộ cho tới khi lửa tắt hoàn toàn mới ra về.

Trong trồng, chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn Quốc tế, khâu xử lý thực bì được chuyên gia đánh giá đặc biệt quan tâm bởi khác với cách xử lý thực bì thông thường, rừng theo tiêu chuẩn FSC. Vì vậy người trồng rừng có thể xử lý thực bì theo 2 cách là xử lý thực bì không đốt và xử lý thực bì đốt có kiểm soát. Trong đó, xử lý thực bì không đốt là thu dọn toàn bộ thực bì sau thu hoạch ra khỏi diện tích rừng trước khi trồng rừng hoặc quét dọn thực bì theo băng rồi trồng cây trên những khoảng đất trống. Đối với cách xử lý thực bì đốt có kiểm soát tại các lô, khoảnh rừng, khi thực bì đã khô vun thành đống giữ khoảng cách an toàn với khoảnh rừng bên cạnh.

Sử dụng lửa ở những cơ sở, công trình, công trường và nhà ở được phép bố trí ở trong rừng phải bảo đảm không để cháy lan vào rừng; sau khi sử dụng lửa phải dập tắt hết tàn lửa.

Khi phát hiện cháy rừng: Người phát hiện cháy rừng phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh và cho một hoặc các đơn vị Chủ rừng, Đội PCCCR nơi gần nhất; Cơ quan Kiểm lâm hoặc cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nơi gần nhất; Chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan Công an, Quân đội nơi gần nhất.

Cơ quan, đơn vị khi nhận được tin báo về cháy rừng xảy ra trong địa bàn được phân công quản lý phải nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện đến tổ chức chữa cháy, đồng thời báo cho các cơ quan, đơn vị cần thiết khác biết để chi viện chữa cháy; trường hợp cháy rừng xảy ra ngoài địa bàn được phân công quản lý thì sau khi nhận được tin báo cháy phải bằng mọi cách nhanh chóng báo cho các cơ quan, đơn vị quản lý địa bàn nơi xảy ra cháy biết để xử lý và tham gia chữa cháy rừng.

- Người có mặt tại nơi xảy ra cháy rừng phải tìm mọi biện pháp để ngăn chặn cháy lan và dập cháy; người tham gia chữa cháy phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy.

- Chủ rừng và các lực lượng Công an, Kiểm lâm, Quân đội, dân quân tự vệ, cơ quan hữu quan khác có nhiệm vụ chữa cháy và tham gia chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

- Việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy rừng, chỉ huy chữa cháy rừng, tình thế cấp thiết được sử dụng quyền quyết định phá, dỡ nhà, công trình, vật chướng ngại và di chuyển tài sản khi chữa cháy rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

Phương pháp chữa cháy: Lực lượng chữa cháy tiến hành giới hạn đám cháy bằng cách tạo ra các băng trắng ngăn lửa, có chiều rộng từ 15 đến 20m; nếu tốc độ gió lớn, tốc độ lửa lan tràn quá nhanh phải làm các băng trắng có độ rộng 20-30m. Trong điều kiện thời tiết khô kiệt, thực bì trong rừng khô nỏ, khi xảy ra cháy rừng phải tạo ngay băng hẹp giữa các đầu ngọn lửa theo một cự ly tính sao cho thi công xong trước khi ngọn lửa ập đến; phải dọn và vun hết các chất cháy vào giữa băng; cho đốt hết các vật liệu đã vun gọn vào băng. Cự ly của 2 tuyến dọn sạch quy định như sau: Nếu tốc độ gió 3-5m/giây thì khoảng cách giữa 2 tuyến dọn sạch là 20-30m; tốc độ gió trên 6m/giây thì khoảng cách giữa 2 tuyến dọn sạch là 30-35m.

Trong trường hợp có nguồn vật liệu lớn, do ảnh hưởng của nhiệt độ cao, cả những cây còn sống cũng có thể bị khô héo đi mà cháy theo thì phải làm nhiều đai cản lửa dự phòng. Khi gió quá to, tốc độ lan tràn của lửa quá nhanh, lượng tàn lửa băng qua đai có thể làm bốc cháy các vật liệu ngay sau đai đám cháy đe dọa, tiếp tục lan tràn, thì cũng phải làm nhiều đai cản lửa dự phòng.

Khi chữa cháy, lực lượng bố trí theo hai cách:

Nếu ngọn lửa phát triển và lan tràn chậm có xu hướng cháy về cả hai phía trái và phải, thì đội hình nên bố trí từng tiểu đội 8 - 10 người, lực lượng tiến từ phía sau đám cháy về cả hai bên, dùng nước hoặc đất hay cành cây tươi đập lửa bao vây, không cho lửa lan tràn, đội hình cứ thế tiến đến bao vây khép kín về phía đầu ngọn lửa và dập cho đến khi ngọn lửa tắt hẳn.

Nếu tốc độ gió mạnh trên 6m/giây, lửa lan tràn nhanh về phía trước thì đội hình bố trí để phát băng, đào rãnh, hất đất, hoặc dội nước từ phía trước ngọn lửa và tiến về phía sau theo hai cánh cung cho đến khi khép kín và dập cho lửa tắt hẳn không còn than lửa cháy lại.

Khi chữa cháy có thể sử dụng một trong các biện pháp sau đây để dập lửa: Dùng nước, đất vụn, cát, cành cây tươi… để làm suy yếu các yếu tố tham gia quá trình cháy như nguyên liệu, ôxy và nhiệt.

Cần chú ý đảm bảo an toàn khi chữa cháy rừng; bố trí lực lượng chữa cháy rừng theo từng tổ, nhóm, có người phụ trách chỉ huy thống nhất. Lực lượng chữa cháy phải tập kết phía sau ngọn lửa. Cách xa đầu ngọn lửa trên 100m, xung quanh nơi tập kết nên làm băng trắng ngăn cách trên 50m. Chuẩn bị đủ nước uống, lương thực và thuốc bỏng; trường hợp bị thương nặng hay bị tử vong phải lập biên bản tại chỗ để đảm bảo việc giải quyết chính sách chế độ. ( Còn nữa)

Nguồn tuyên truyền: CV 506/Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Kạn

Tác giả: Hà Tuyết

 

 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu