|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ Đồn phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn

Để khai thác tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương. Huyện Chợ Đồn đã và đang tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch văn hóa nhằm thu hút khách du lịch, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động vùng nông thôn.

 Lãnh đạo huyện tham quan các gian hàng quảng bá sản phẩm OCOP.

Tập trung phát triển sản phẩm OCOP

Thực hiện Quyết định số 851/QĐ-UBND, ngày 24/5/2018 của  UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018-2020. UBND huyện Chợ Đồn đã ban hành Kế hoạch số 786/KH-UBND ngày 19/6/2018 về việc triển khai đề án "Mỗi xã, phường một sản phẩm" OCOP.  Đến nay, sau 7 năm thực hiện, huyện duy trì 38 sản phẩm OCOP, trong đó 04 sản phẩm 4 sao và 34 sản phẩm 3 sao. Tổng số chủ thể có sản phẩm OCOP là 30 chủ thể gồm: 14 Hợp tác xã, 01 THT, 01 Công ty, 14 Hộ kinh doanh.

Song song với việc phát triển sản xuất các sản phẩm OCOP, huyện Chợ Đồn cũng quan tâm chỉ đạo và nguồn lực để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Huyện cũng đã bố trí 200 triệu đồng từ ngân sách huyện để đầu tư Điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và duy trì hoạt động Chợ đêm (mỗi 1-2 tháng tổ chức 1 lần) với nhiều hoạt động văn hoá xã hội, trong đó dành một không gian riêng gồm 05 gian hàng cho các xã, thị trấn trưng bày và bán các sản phẩm OCOP cũng như các sản phẩm nông sản đặc sản khác của địa phương. Các hoạt động này đã góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP và các nông sản khác của huyện Chợ Đồn đến đông đảo khách hàng.

Để duy trì sự bền vững trong phát triển sản phẩm OCOP, UBND huyện quan tâm chỉ đạo, định hướng các chủ thể OCOP thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các Chương trình mục tiêu quốc gia và Hội đồng nhân dân tỉnh, căn cứ nhu cầu đề xuất của các Hợp tác xã, từ năm 2020 huyện Chợ Đồn đã đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện 09 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp OCOP gồm sản phẩm Chè Shan tuyết Ngọc Thắng của Công ty TNHH phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu Ngọc Thắng; sản phẩm Hồng không hạt của HTX Tân Phong; sản phẩm Gạo Nhật Japonica của HTX Sơn Lâm; sản phẩm Trà hoa vàng của HTX Hoà Thịnh; sản phẩm Trà hoa vàng của HTX nông lâm Nghĩa Tá; sản phẩm Thịt lợn rừng lai Phúc Thơm Bắc Kạn của HTX Quỳnh Trang; sản phẩm Dâu tây Nam Cường của HTX thương mại và dịch vụ Toàn Dân; sản phẩm Phở khô và Bún khô của HTX Hồng Luân. Các dự án đều triển khai thực hiện có hiệu quả tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP của các Hợp tác xã.

Vườn Dâu tây của HTX Thương mại và dịch vụ Toàn Dân, xã Nam Cường trở thành điểm check-in yêu thích cho du khách đến tham quan.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn

Chương trình OCOP được triển khai đồng bộ, rộng khắp, góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa của huyện. Từ đó hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp đa giá trị, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch. Các sản phẩm OCOP này đã và đang góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, ẩm thực, dịch vụ du lịch, miền đất, con người huyện Chợ Đồn đến với du khách, từ đó thúc đẩy du lịch và kinh tế nông nghiệp địa phương phát triển. Đây cũng là một trong những nội dung trong thực hiện Quyết định 2950/QĐ - UBND ngày 25/10/2029 của UBND huyện về việc phê duyệt Đề án quản lý và phát huy giá trị di tích, di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch huyện Chợ Đồn giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tuy nhiên việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn trên địa bàn huyện  còn gặp khó khăn do kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể mặc dù được quan tâm thúc đẩy nhưng vẫn chưa có sự phát triển mạnh mẽ, dẫn đến nhiều lợi thế của địa phương về nông nghiệp, sản phẩm, lao động, văn hóa,…chưa được khai thác tốt. Việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp còn chậm so với tiềm năng. Nhiều địa phương chưa xác định được các dòng sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh; công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại còn rất nhiều hạn chế. Quy mô sản xuất chủ yếu là hộ cá thể và HTX nhỏ, các mô hình tổ chức sản xuất quy mô lớn, hiện đại như: doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp đều thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến các sản phẩm OCOP chưa duy trì được sự phát triển và ổn định.

  Công tác xã hội hóa các nguồn lực, nhất là nguồn vốn để hỗ các chủ thể còn nhiều hạn chế, chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước từ chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; thiếu sự liên kết hiệu quả giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân; người dân chưa chú trọng đến việc phát triển sản phẩm truyền thống có lợi theo quy mô hàng hóa, rất nhiều dự án hỗ trợ sau khi kết thúc, các chủ thể chưa đảm bảo về năng lực tài chính cũng như năng lực quản lý để tiếp cận, làm chủ và phát triển tiếp một cách bền vững.

Giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Để phát huy hiệu qủa việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn trong thời gian tới, huyện Chợ Đồn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền các chủ thể kinh tế chuyển từ tư duy sản lượng sang tư duy chất lượng, nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP; tích hợp đa dạng sản phẩm để chia sẻ lợi ích, từ đó tạo dựng được một cộng đồng đoàn kết trong liên kết sản xuất - tiêu thụ nông đặc sản. Phát triển sản phẩm OCOP có giá trị cao, vừa tạo ra được sự khác biệt, tạo được cảm xúc cho người tiêu dùng vừa mang giá trị vượt trội, giúp cải thiện đời sống cho người dân.

Song song với đó tập trung phát triển du lịch cộng đồng tạo cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống địa phương. Coi phát triển du lịch nông thôn không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào quê hương, xứ sở, vì vậy cần tiếp tục chú trọng, đầu tư phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn. Đẩy mạnh giới thiệu các tour, tuyến du lịch, các điểm tham quan, các sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực, quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP tại các Hội chợ, Tuần Văn hóa - du lịch trong và ngoài tỉnh.

Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP đã góp phần thổi “làn gió mới” vào phát kinh tế nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân sống ở khu vực nông thôn. Những kết quả đạt được bước đầu đã tạo tiền đề cơ bản để huyện tiếp tục đẩy mạnh Chương trình này theo hướng gắn phát triển sản phẩm OCOP với khai thác du lịch nông thôn gắn với phát triển văn hóa của từng địa phương và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành công, nâng cao giá trị gia tăng sản xuất cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng bền vững.

Tác giả: Nông Đuổng


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin nổi bật Tin nổi bật