Tập trung thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Huyện đã tập trung thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2035, thông qua phát triển sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao từ việc duy trì phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản, vùng trồng lúa Bao thai Chợ Đồn tập trung tại các xã Phương Viên, Đồng Thắng, diện tích đất trồng lúa canh tác hàng năm (02 vụ) là hơn 800 ha; vùng sản xuất lúa chất lượng, lúa hữu cơ ở các xã Yên Phong, Đồng Thắng.
Huyện tích cực duy trì phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản, vùng trồng lúa tập trung.
Từ lợi thế là huyện có hơn 70% diện tích lúa Bao thai sản xuất ở vụ mùa (hơn 1.700 ha), sản lượng hơn 9.000 tấn và lúa Japonica chủ yếu vụ xuân chiếm hơn 13% diện tích (hơn 230 ha) sản lượng hơn 1.200 tấn. Huyện đã tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển sản phẩm từ gạo bao thai Chợ Đồn và gạo Japonica. Hiện nay các sản phẩm thóc, gạo được một số hợp tác xã tại địa phương chủ động liên kết bao tiêu sản phẩm với người dân ngay từ đầu vụ để xuất bán và chế biến gạo thành các hàng hóa khác (như bún, phở, bánh tẻ…); Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng sản xuất lúa nếp địa phương với sản phẩm lúa nếp như: khẩu Nua pái,...từng bước nâng cao thu nhập cho người trồng.
Về phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, từ lợi thế có vùng trồng cây cam, quýt nằm trong Vùng chỉ dẫn địa lý “Bắc Kạn” (theo Quyết định số 2839/QĐ-SHTT ngày 14/11/2012 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Bắc Kạn” cho sản phẩm quả quýt), 02 xã là Đồng Thắng, Phương Viên đã tập trung phát triển sản phẩm mũi nhọn này. Đối với 05 xã là Xuân Lạc, Nam Cường, Đồng Lạc, Quảng Bạch, Tân Lập, Ngọc Phái đã được cấp chỉ dẫn địa lý Vùng trồng hồng không hạt, trong vùng chỉ dẫn địa lý Hồng không hạt Bắc Kạn (theo Quyết định số 1721/QĐ-SHTT ngày 08/9/2010 của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00021 cho sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn), đã tập trung phát triển thế mạnh trồng cây hồng.
Quả hồng không hạt - cây trồng thế mạnh của các xã Khu Bắc.
Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP
Việc phát triển các sản phẩm OCOP được huyện Chợ Đồn xem là giải pháp quan trọng, do vậy huyện luôn tạo điều kiện hỗ trợ cho các tổ chức cá nhân, cơ sở sản xuất chế biến nông, lâm, thủy sản mở rộng, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ phát triển và tiêu thụ sản phẩm OCOP của huyện thông qua các hoạt động hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn các chủ thể tham gia vào các chương trình đầu tư, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Duy trì tổ chức “Chợ đêm quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch huyện Chợ Đồn”. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá, giới thiệu, phát triển sản phẩm nông sản của các địa phương, sản phẩm OCOP gắn liền với việc thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Chợ Đồn.
Các HTX tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP đến với khách hàng.
Đến nay, toàn huyện có 31 sản phẩm OCOP, trong đó có 03 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 28 sản phẩm xếp hạng 3. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổ chức đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2024 và họp xét có 13 chủ thể gửi đăng ký với 16 ý tưởng sản phẩm; Rà soát có 06 sản phẩm OCOP công nhận năm 2021 sẽ hết hạn, tuy nhiên chỉ có 02 sản phẩm dự kiến tham gia đánh giá, cấp đổi lại giấy chứng nhận.
Với mục tiêu đưa sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP quảng bá nhiều hơn đến với khách hàng, đặc biệt là khách du lịch khi đến thăm quan tại huyện. Huyện đã thực hiện mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại thôn Cọn Poỏng, xã Nam Cường. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn để người dân có kiến thức phát triển sản xuất, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao.
Năm 2025, huyện Chợ Đồn dự kiến hoàn thành huyện nông thôn mới. Do vậy cùng với việc tập trung phát triển kinh tế theo định hướng mà Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đưa ra như: ưu tiên phát triển nông - lâm nghiệp, chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào thực tiễn sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Huyện sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
Tác giả: Nông Đuổng