A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển vọng từ mô hình nuôi gà đen H’Mông bản địa tại thị trấn Bằng Lũng

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn Hóa Nghệ Thuật Việt Bắc nhưng thanh niên Triệu Quang Tú ở tổ 3, thị trấn Bằng Lũng lại đam mê làm kinh tế, đặc biệt thành công từ mô hình nuôi Dế mèn đã trở thành động lực lớn để anh bắt tay xây dựng mô hình nuôi gà đen H’Mông bản địa. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới giúp anh khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình.

Thanh niên Triệu Quang Tú với mô hình nuôi gà đen H’Mông bản địa.
Gà đen là một trong những đặc sản nổi tiếng của đồng bào dân tộc Mông và thường chỉ sử dụng trong các dịp lễ, Tết hay khi nhà có khách quý. Hiện nay, giống gà này chủ yếu được phân bố trên các bản làng vùng cao của đồng bào Mông. Tại huyện Chợ Đồn, giống gà quý này được nuôi tại một số ít thôn, bản thuộc các xã như Xuân Lạc, Nam Cường, Bình Trung với số lượng không nhiều. Về đặc điểm,  gà có xương, thịt, mào, mắt, tai, lưỡi và nội tạng đều có màu đen tuyền; thường có 3 màu lông là hoa mơ, trắng và đen tuyền. Loại gà này rất giàu dinh dưỡng, thơm ngon, mềm ngọt, xương lại nhỏ và cứng, đặc biệt, thịt gà ít mỡ nên ăn không bị ngấy, thịt dai chắc và hương vị thơm ngon đặc trưng. Thịt gà đen có tác dụng tốt cho người mắc các chứng bệnh về tim mạch, tiểu đường. Gà đen còn được dùng để hầm với các vị thuốc bồi bổ cho phụ nữ mang thai, trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng, người già yếu, người mới ốm dậy, suy nhược cơ thể…
Theo anh Triệu Quang Tú, lý do đến với chăn nuôi gà đen là trong một lần đến bản người Mông ở xã Xuân Lạc tình cờ phát hiện ra giống gà đen bản địa. Qua tìm hiểu, thấy loại gà này có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, hiện nay số lượng không còn nhiều và đã bị lai tạp nên anh đã quyết định mang về nhân giống. Với mong muốn bảo tồn nguồn gen quý của giống gà đen bản địa, có thể phát triển thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Để thực hiện mô hình, anh Tú đến từng thôn, bản của đồng bào Mông xã Xuân Lạc để tìm và chọn lọc những cá thể gà có đặc điểm, kiểu hình tốt nhất đem về chăm sóc và nhân giống. Anh đã xây dựng 3 trại gà gồm: Trại số 01 tại tổ 3, thị trấn Bằng Lũng chuyên sản xuất con giống, với tổng diện tích 200m2 chia thành 12 ô chuồng riêng biệt để ghép cặp gà sinh sản. Trại số 02 và số 03 được xây dựng tại thôn Bản Hỏ, xã Xuân Lạc, với diện tích trên 4.500m2 chuyên nuôi gà thương phẩm và nuôi gà mái lấy trứng, hầu hết gà ở đây được nuôi theo hình thức bán chăn thả để thịt gà săn chắc, giữ được đúng đặc điểm, chất lượng gà bản địa.
Để có kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi gà, anh Tú tự nghiên cứu, tìm hiểu trên internet, học hỏi từ các mô hình nuôi gà đen trong và ngoài địa phương. Quy trình lựa chọn và nhập con giống, kiểm soát dịch bệnh được thực hiện và giám sát chặt chẽ của thú y viên. Sau gần 1 năm gây dựng mô hình, anh duy trì nuôi 500 con gà  đen bản địa, hiện đã có sản phẩm gà thịt bán ra thị trường với giá 180.000 đồng/kg. Với nguồn cung ứng này đáp ứng được phần nào nhu cầu sử dụng của khách hàng trên địa bàn huyện và các khu vực lân cận.
Tiếp nối thành công từ sản phẩm “Dế mèn đóng hộp” đạt sản phẩm OCOP năm 2019. Năm nay, mặc dù mô hình nuôi gà đen bản địa đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng với kết quả bước đầu đạt được anh Triệu Quang Tú đã mạnh dạn  đăng ký sản phẩm gà thịt và trứng gà đen bản địa tham gia Chương trình mỗi xã, phường 1 sản phẩm (OCOP) năm 2022. Anh mong muốn các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tạo điều kiện tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, nguồn vốn vay để mở rộng quy mô mô hình trong thời gian tới.
Nhận xét về thanh niên Triệu Quang Tú, Chị Phùng Thị Yêu – Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Bằng Lũng khẳng định, đây là mô hình có tính sáng tạo, đổi mới về phương thức chăn nuôi bán chăn thả, mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với các giống gà thông thường. Có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương. Đoàn thanh niên thị trấn Bằng Lũng sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để đoàn viên Triệu quang Tú phát triển hiệu quả mô hình trong thời gian tới.
Đặc biệt, hưởng ứng cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo Thanh niên tỉnh Bắc Kạn” năm 2022 do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức, anh Tú là một trong 4 dự án của thanh niên huyện Chợ Đồn lọt vào vòng Chung kết của cuộc thi trên tổng số 17 Dự án của thanh niên trên toàn địa bàn tỉnh. Với Dự án “Sản xuất, kinh doanh và bảo tồn giống gà đen H’Mông bản địa” anh Triệu Quang Tú đã đạt giải Đồng hành chung kết Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Bắc Kạn lần thứ II, năm 2022″ được tổ chức trong tháng 6 vừa qua”. Kết quả này đã khẳng định được tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên làm giàu từ sản phẩm nông nghiệp của thế hệ trẻ hôm nay./.
Tác giả: Thu Thúy

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật