A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tảo mộ – Phong tục đẹp của người Tày huyện Chợ Đồn

Tết Thanh Minh, còn gọi là Tết “so slam, bươn slam” (tức mùng Ba tháng Ba âm lịch) là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của đồng bào dân tộc Tày ở tỉnh Bắc Kạn nói chung và huyện Chợ Đồn. Vào ngày này, bà con dân tộc Tày trên địa bàn huyện lại sắm sửa mâm cỗ, vàng hương… để tổ chức đi tảo mộ, tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người đã khuất. Đây là phong tục vừa tạo nên nét đẹp văn hóa bản sắc dân tộc, vừa là dịp để con cháu trong gia đình nhớ về tổ tiên, hiểu về thêm về nguồn cội, sum họp gia đình, dòng họ.
 Người Tày xã Đại Sảo duy trì phong tục tảo mộ trong ngày 3/3 âm lịch hàng năm.
Không như người Kinh hay các dân tộc khác đi tảo mộ vào đúng ngày Tiết Thanh Minh (thông thường ngày Tiết Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày), người Tày ở huyện Chợ Đồn đi tảo mộ một ngày duy nhất đó là ngày 3/3 âm lịch.  Sau khi làm lễ cúng gia tiên xong, mọi người mới bắt đầu đi tảo mộ. Họ đến khu mộ của gia đình từ sớm để thắp hương xin phép thần thổ địa rồi phát cỏ cây, dọn dẹp khu mộ sạch sẽ. Tại các phần mộ, sau khi con, cháu đã phát dọn sạch sẽ, các thành viên trong gia đình cùng bày mâm lễ đã chuẩn bị sẵn để dâng cúng người đã khuất. Nghi lễ cúng trong ngày tảo mộ thường gồm hai phần: Phần cúng ở nhà và phần cúng tại mộ. Đồ cúng tùy thuộc vào hoàn cảnh của con cháu, chủ yếu là làm với tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên. Thông thường có thịt gà, thịt lợn, cá, trứng, hoa quả, bánh kẹo và một món ăn đặc trưng, không thể thiếu đó chính là xôi màu. Xôi trong ngày tảo mộ của người Tày thường mang 3 màu chủ đạo, là tím, đỏ, trắng (hoặc đen, đỏ, trắng); màu xôi đều được làm từ các loại lá cây trông rất bắt mắt.
Phần lớn các ngôi mộ đều đặt trên đồi, núi xa nhà, nên nhiều gia đình thường thụ lộc ngay bên phần mộ của tổ tiên. Mọi người quây quần thưởng thức lộc và kể cho con cháu chuyện về những người đã khuất, nhắc nhau chăm chỉ lao động, học tập, để xứng đáng và đền đáp công ơn những người đã khuất.
Ông Nguyễn Tiến Veng, thôn Nà Lại, xã Đại Sảo cho biết “Đây là dịp để con cháu tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên. Dù có bận rộn đến đâu, con cháu đều thu xếp về để thực hiện công tác chăm sóc các phần mộ ông bà, thắp hương cầu mong ông bà phù hộ cho con cháu có sức khỏe, đoàn kết, yêu thương nhau, làm ăn thuận lợi”.
Khắp các bìa rừng, đồi núi, các ngôi mộ được cắm cây nêu với nhiều màu sắc. Bao nhiêu ngôi mộ là bấy nhiêu cây nêu bay theo gió tháng Ba, báo hiệu con cháu đã hoàn tất việc tảo mộ. Trong các ngày Tết trong năm, thì ngày 3/3 âm lịch được xem là ngày Tết lớn của người Tày, là ngày anh em, họ hàng có dịp quây quần và họp mặt. Đây chính là dịp để mọi người báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp ơn sinh thành của cha mẹ, tổ tiên, nhắc nhở mỗi người nhớ về quê hương, nguồn cội./.
          Tác giả: Hương Liễu
 

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật