Chị Triệu Thị Dung, thôn Phiêng Liềng, xã Ngọc Phái bên căn nhà được xây dựng từ nguồn vốn được vay của NHCSXH.
Trong căn nhà được xây năm 2023, dù chưa phải nhà cao cửa rộng nhưng cũng đủ để cả gia đình có chỗ ở ổn định, chị Triệu Thị Dung, thôn Phiêng Liềng, xã Ngọc Phái kể câu chuyện của gia đình mình: “Trước kia, nhà tôi nghèo lắm! Phải lo cái ăn hàng ngày, nhà cửa thì lụp xụp, con thì còn nhỏ, khó khăn chồng chất khó khăn và có lúc tự nghĩ có lẽ mình sẽ nghèo mãi không thoát ra được. Thế nhưng do được hỗ trợ vay vốn từ NHCSXH để làm nhà, để trồng rừng, được cấp uỷ, chính quyền xã cho tham gia tập huấn khoa học kỹ thuật phát triển chăn nuôi nên đời sống giờ đỡ hơn rất nhiều, hiện nay gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Là hộ nghèo được vay vốn để làm nhà, trồng rừng từ Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình chị Dung đã sử dụng vốn đúng mục đích, trồng được 2ha rừng mỡ, hiện đang phát triển tốt, gia đình cũng tập trung chăn nuôi lợn, gà nên cuộc sống của gia đình đã khá hơn.
Nói về hành trình thoát nghèo của gia đình mình, chị Hà Thị Nguyệt, thôn Cốc Héc, xã Đồng Thắng khó mà quên được. Do xuất phát từ điểm thấp nên đời sống của gia đình chị gặp nhiều khó khăn, nhưng với ý chí vươn lên thoát nghèo khi được vay vốn từ NHCSXH, gia đình chị đã nỗ lực phát triển kinh tế, cuộc sống đã khá hơn. Hiện tại gia đình chị có diện tích rừng mỡ khoảng 1,5 ha giá trị khoảng 200 triệu đồng, gia đình cũng chăn nuôi lợn nái, lợn thịt vỗ béo, đào ao thả cá. Từ một hộ cận nghèo, gia đình chị đã thoát nghèo, thu nhập hàng năm khoảng 100 triệu đồng.
Nhờ được vay vốn và chịu khó chăn nuôi, gia đình ông Nông Văn Duyến, tổ 17 đã phát triển đàn bò cho thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Ở thị trấn Bằng Lũng, rất nhiều người đã khâm phục gia đình ông Nông Văn Duyến, tổ 17. Trước kia gia đình ông Duyến thuộc hộ nghèo, thế nhưng nhờ được vay vốn từ NHCSXH để phát triển kinh tế và chịu khó, chăm chỉ chăn nuôi bò, hiện giờ gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà có cuộc sống ổn định hơn. Hiện tại gia đình có khoảng 20 con bò kết hợp trồng rừng và nuôi gà.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã tuyên truyền và tạo điều kiện cho người dân được vay vốn đầu tư sản xuất. Kết quả, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, số lượt hộ nghèo được vay là 1.623 hộ, kinh phí cho vay trên 91 tỷ đồng; Số lượt hộ cận nghèo được vay là 590 hộ, kinh phí cho vay trên 38 tỷ đồng.
Ngoài các chương trình cho vay từ NHCSXH, để thực hiện công tác giảm nghèo, thời gian qua huyện Chợ Đồn cũng tích cực triển khai với nhiều giải pháp cụ thể, đa dạng như: tập trung triển khai thực hiện các các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó trọng tâm là chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn, hội, đoàn thể cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chuyển môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, triển khai các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế,…để người nghèo có kiến thức làm ăn.
Chị Nông Thị Tuyết Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ngọc Phái chia sẻ: Thực hiện công tác Hội, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để giúp hội viên thoát nghèo như: tư vấn, hỗ trợ các hội viên nghèo vay vốn NHCSXH, phối hợp triển khai các hội nghị tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng rừng, phát triển sản xuất. Hội Liên hiệp phụ nữ xã cũng quan tâm, hỗ trợ Chi hội phụ nữ thôn Bản Ỏm duy trì nhóm Cổ phần tài chính tự quản thôn Bản Ỏm. Đây là mô hình mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp chị em có nguồn vốn đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống. Từ 2019 đến tháng 5 năm 2024, nhóm đã tiết kiệm được 10.855 cổ phần tương đương 542.750.000 đồng cho 78 lượt thành viên vay.
Những tấm gương trên là các ví dụ điển hình vượt lên khó khăn để thoát nghèo ở huyện Chợ Đồn trong thời gian qua. Có thể thấy, để thoát nghèo, bên cạnh sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương thì còn có sự nỗ lực không nhỏ của từng cá nhân hộ gia đình trên. Họ không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà mạnh dạn dám nghĩ, dám làm để đổi thay cuộc sống, không muốn trở thành gánh nặng cho xã hội. Vươn lên từ trong gian khó chính là động lực để họ không ngừng nỗ lực phấn đấu giúp gia đình, con cái có một cuộc sống tốt đẹp hơn, qua đó còn góp sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp.
Tác giả: Nông Đuổng