Làm đường liên thôn tại thôn Bản Lồm, xã Nam Cường.
Các nội dung trong Chương trình được triển khai đồng bộ, thống nhất thông qua Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ cấp huyện đến cấp xã và Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng Nhân dân bằng nhiều hình thức, đổi mới cả về nội dung, phương pháp, người dân nâng cao được ý thức trong thực hiện Chương trình, do đó nhiều người dân đã tự nguyện góp công, hiến đất, làm đường giao thôn nông thôn, chỉnh trang nhà cửa khu dân cư, bê tông hóa kênh mương, nâng cấp, mở rộng, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đường trục chính nội đồng, các công trình công cộng, vệ sinh môi trường… 6 tháng đầu năm 2024, trong toàn huyện đã vận động Nhân dân hiến 800 m2 đất, góp 1.074 ngày công cho việc xây dựng NTM, NTM nâng cao.
Theo kết quả báo cáo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm 2024 của UBND huyện, hiện nay Chợ Đồn có 09 xã (Phương Viên, Đồng Thắng, Nam Cường, Đồng Lạc, Lương Bằng, Bằng Lãng, Đồng Lạc, Quảng Bạch, Yên Thịnh) được phê duyệt quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã giai đoạn 2021-2025 và được công bố công khai đúng thời hạn, các xã còn lại đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và đang thực hiện các bước lập đồ án quy hoạch chung xây dựng xã. Tiêu chí này hiện có 12/19 xã đạt NTM và 01 xã đạt NTM nâng cao.
Tiêu chí về phát triển hạ tầng giao thông, tổng số chiều dài đường trục xã của huyện hiện nay là 260,6 km; trong đó nhựa hoá, bê tông hóa 216,5 km, đạt 83,07%. Tổng số chiều dài đường trục thôn, liên thôn: 314,9 km; trong đó: bê tông hoá 236 km, đạt 75%.Tổng số chiều dài đường ngõ xóm là 194,4 km, trong đó các tuyến đường được bê tông, cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa: 80 km, đạt 41,15%. Tổng số chiều dài đường trục chính nội đồng: 172,25 km, trong đó đã cứng hoá 2,1 km, đạt 12,19%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số km đường trục thôn, liên thôn được cứng hoá là 0,5km, với tổng kinh phí thực hiện là 144 triệu đồng.Tiêu chí này toàn huyện có 13/19 xã đạt NTM và 01/03 xã đạt NTM nâng cao.
Về tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai, toàn huyện có tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động đạt 95%. Tổng số diện tích sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp là 87.662,13 ha, trong đó được tiêu chủ động là 75.550 ha. Trên địa bàn huyện hiện nay đang duy trì, khai thác có hiệu quả 960 công trình thủy lợi kiên cố (62 công trình do Trạm Quản lý Thủy nông quản lý; 898 công trình do địa phương quản lý) cung ứng nước tưới đủ phục vụ sản xuất với tổng diện tích tưới trên 4.000 ha. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn các xã cơ bản đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất, dân sinh và đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai tại chỗ. Tổng số chiều dài kênh mương nội đồng toàn huyện là 376,63 km, trong đó đã kiên cố hoá được 173,5 km, đạt 46%. 100% các xã đều đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ. Tiêu chí này số xã đạt NTM là 19/19 xã., NTM nâng cao đạt 01/03 xã.
Tiêu chí về điện nông thôn, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia an toàn huyện đạt 99,8%.Tổng số đường dây điện toàn huyện (trung áp, hạ áp) đạt chuẩn 734,58/734,58km, đạt tỷ lệ 100% (trong đó: đường dây trung áp đạt chuẩn 341,73/341,73km (đạt tỷ lệ 100%), hạ áp đạt 364,627/364,627km (đạt tỷ lệ 100%)) và có 151 trạm biến áp với tổng công suất 14.779,5 KVA (trong đó đạt chuẩn 151 trạm biến áp (đạt tỷ lệ 100%). Trong 6 tháng đầu năm tiếp tục thực hiện các dự án Đầu tư đường điện thôn Vằng Doọc, xã Bình Trung với kinh phí 736 triệu đồng (nguồn vốn năm 2022-2023 chuyển tiếp); đầu tư đường điện thôn Bản Quá, Bản Lồm, Lũng Noong của xã Nam Cường với kinh phí 486 triệu đồng (nguồn vốn năm 2023 chuyển tiếp); tổ chức khảo sát các đầu tư xây dựng đường điện Quốc gia vào thôn Khuổi Tạo, xã Yên Mỹ, với tổng mức đầu tư dự kiến đề xuất khoảng 6.000 triệu đồng. Tiêu chí này, số xã đạt NTM là 17/19 xã, xã NTM nâng cao là 03/03 xã.
Về giáo dục, y tế, hiện nay trên địa bàn huyện có 11/44 cơ sở giáo dục đã được đánh giá ngoài và công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 25% (Trong đó: Cấp mầm non có 6 cơ sở, đạt tỉ lệ 33,33%; cấp tiểu học có 02 cơ sở, đạt tỉ lệ 18,18%; cấp trung học cơ sở có 0 cơ sở, đạt tỉ lệ 0%; liên cấp có 03 cơ sở, đạt 33,33%).Trong 6 tháng đầu năm, huyện đã đầu tư thực hiện 07 dự án xây dựng Trường học với tổng kinh phí 15.609 triệu đồng. Với tiêu chí này có 11/19 xã đạt NTM và 01/03 xã đạt NTM nâng cao.
Toàn huyện đã có 19/19 xã có trạm y tế và Trung tâm y tế huyện được đầu tư đạt chuẩn theo quy định.
Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, toàn huyện hiện có 11/19 xã có nhà văn hoá cấp xã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo quy định (Yên Thượng, Đồng Thắng, Nghĩa Tá, Bằng Lãng, Yên Thịnh, Phương Viên, Bản Thi, Xuân Lạc, Quảng Bạch, Đồng Lạc, Lương Bằng). Tổng số nhà văn hoá thôn, tổ hiện có là 212/227 nhà, chiếm 93,3%, trong đó đạt chuẩn theo quy định 96/227nhà chiếm 42,2%. Các sân, điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi, được tận dụng, sử dụng từ các sân các công trình cộng cộng như sân Trung tâm văn hóa thể thao của huyện, sân UBND xã, sân nhà văn hóa thôn, sân trường học… Trong 6 tháng đầu năm 2024 huyện đã khởi công đầu tư xây dựng 01 Nhà văn hoá xã (Bằng Phúc) và 12 nhà văn hoá thôn, 02 trung tâm thể thao xã (Yên Thịnh, Quảng Bạch), tổng kinh phí 8.005 triệu đồng.Từ nỗ lực trên, tiêu chí này huyện đã có 13/19 xã đạt NTM và 1/03 xã đạt NTM nâng cao.
Về tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, số xã đạt tiêu chí xã NTM là 19/19 xã, xã NTM nâng cao là 01/03 xã. Hiện nay, trên địa bàn huyện có tổng số 14 chợ được đầu tư xây dựng kiên cố bằng nguồn vốn nhà nước, hệ thống chợ đã góp phần đáng kể trong việc đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ, lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu đời sống của nhân dân. Các xã không có chợ theo quy hoạch, trên địa bàn xã đều có các cửa hàng kinh doanh tổng hợp, đảm bảo đa dạng các mặt hàng đáp ứng được nhu cầu hàng ngày của người dân. Trong 6 tháng đầu năm huyện đã khởi công sửa chữa, nâng cấp chợ xã Đồng Lạc, tổng kinh phí 600 triệu đồng.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết chuỗi giá trị, cơ sở hạ tầng các cụm làng nghề, ngành nghề nông thôn, huyện chỉ đạo các chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện, quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã, các doanh nghiệp duy trì phát triển sản xuất. Tăng cường kêu gọi thu hút các doanh nghiệp, công ty đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển công nghiệp, chế biến, sản xuất, đồng thời nỗ lực thực hiện các giải pháp xây dựng làng nghề nấu rượu men lá Bằng Phúc, phấn đấu được công nhận trước năm 2025.
Về mạng lưới thông tin, truyền thông, UBND huyện đã chỉ đạo, quán triệt thực hiện các hoạt động về chuyển đổi số, chỉ đạo, đôn đốc việc cải tạo, nâng cấp hệ thống mạng LAN của UBND huyện và UBND các xã, thị trấn, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. 100% cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến xã được trang bị máy tính làm việc, có kết nối Internet, được cài đặt phần mềm diệt virus bản quyền (trừ máy tính phục vụ công tác soạn thảo văn bản mật); 100% các cơ quan, đơn vị của huyện và UBND các xã có kết nối Internet băng thông rộng và có kết nối mạng LAN và đều sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng; Cơ sở hạ tầng viễn thông, Internet tiếp tục được đầu tư, củng cố, phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, hoạt động ổn định. Mạng internet cáp quang, mạng di động được phủ sóng đến toàn bộ các xã, thị trấn trong huyện, đảm bảo kết nối, thông tin liên lạc thông suốt, 100% các xã có đài truyền thanh xã và có cụm loa hoạt động đến 70% thôn trên địa bàn. 100% các xã có điểm cung cấp dịch vụ bưu chính được duy trì hoạt động.
Về cấp nước sinh hoạt, trên địa bàn toàn huyện có 169 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, với công suất thiết kế cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 9.000 hộ dân, trong đó có 152 công trình duy trì khả năng cấp nước thường xuyên cho các hộ.
Đồng chí Nguyễn Đăng Bình - Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Triệu Huy Chung - Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cùng các Sở, ngành, kiểm tra nắm tình hình xây dựng cơ sở vật chất tại trường Trung học cơ sở Nam Cường.
Trao đổi với ông Lục Đình Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT, cơ quan thường trực tham mưu triển khai xây dựng nông thôn mới cho biết: 6 tháng đầu năm 2024, kết quả xây dựng NTM, NTM nâng cao trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả nhất định, có nhiều thay đổi về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, hệ thống đường nội đồng, kênh mương tưới tiêu…, tuy nhiên so với tiến độ còn chậm, công tác tuyên truyền chưa thực sự có chiều sâu, việc cập nhật văn bản mới của cấp trên ở một số địa phương còn chậm. Trong thời gian tới cơ quan thường trực sẽ tiếp tục bám sát các quy định và hướng dẫn của Trung ương; cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương, hướng dẫn các địa phương thực hiện, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để đạt nội dung kế hoạch đề ra trong năm 2024.
Trong 6 tháng đầu năm, với sự vào cuộc, nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và Nhân dân, nội dung thành phần số 01 về nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá và nội dung thành phần số 02 về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã có nhiều chuyển biến. Thời gian tới huyện tăng cường huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao vai trò trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới, phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, tập trung phấn đấu đạt các tiêu chí làm cơ sở cho huyện về đích nông thôn mới năm 2025./.
Tác giả: Hà Tuyết- Phòng VH&TT