Trung tâm điều hành thông minh IOC được xây dựng, hoạt động hiệu quả.
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và băn bản hướng dẫn về chuyên môn của Sở Thông tin và Truyền thông về triển khai thực hiện Nghị Quyết số 36-NQ/TW, trong những năm qua UBND huyện Chợ Đồn đã quyết liệt chỉ đạo, tăng cường đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) bằng nhiều giải pháp, cách làm cụ thể. Xây dựng kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT từng năm và giai đoạn, thành lập Ban Chỉ đạo về ứng dụng CNTT, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số, Tổ Công nghệ số cộng đồng...
Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về các nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW được tổ chức triển khai thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú, nêu bật vị trí, vai trò của CNTT và những thành quả của CNTT trong tiến trình phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của từng ngành, lĩnh vực đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong huyện.
Trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm đầu tư cho phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xác định việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin là nhiệm vụ quan trọng trong lộ trình cải cách hành chính của huyện. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã đầu tư các hạng mục như, nâng cấp hạ tầng mạng LAN UBND huyện, mạng LAN UBND các xã, thị trấn, xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) huyện, nâng cấp Cổng thông tin điện tử huyện, thí điểm chuyển đổi số ở xã Nghĩa Tá, xây dựng hệ thống màn hình Lest điện tử tại các hội trường lớn của huyện, màn hình công cộng tại trụ sở UBND huyện, hiển thị công khai lịch công tác hàng ngày của lãnh đạo huyện, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai đến 20/20 xã, thị trấn, số chứng thư số đã cấp toàn huyện hơn 500 chứng thư. Tổng nguồn vốn đầu tư cho các nhiệm vụ, dự án ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đã thực hiện là hơn 6 tỉ đồng.
Trên địa bàn huyện hiện nay có 03 đơn vị cung cấp dịch vụ Viễn thông Internet cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng gồm: VNPT, Viettel, Mobifone. Toàn huyện có 118 trạm phát sóng mạng thông tin di động (BTS) phủ sóng đến 100% các xã, thị trấn, có khoảng 7000 thuê bao internet cố định và khoảng 80.000 thuê bao di động băng rộng đang hoạt động. Hệ thống kết nối trực tuyến được triển khai thông suốt 4 cấp từ Trung ương đến xã để phục vụ các hội nghị.
Huyện có 01 Cổng thông tin điện tử, 20 Trang thông tin điện tử các xã, thị trấn, hệ thống đài truyền thanh cấp xã đã được đầu tư, nâng cấp hệ thống truyên thanh thông minh không đây thay thế (FM, có dây) đáp ứng tốt cho việc quản lý, vận hành, đưa thông tin phục vụ Nhân dân. Các cơ quan chuyên môn huyện sử dụng hiệu quả các phần mềm chuyên ngành được trang bị riêng như phần mềm Quản lý hộ tịch, Quản lý trợ cấp ưu đãi người có công, phần mềm Quản lý tài chính, ngân sách (Tapmit), phần mềm Tổng hợp tài sản cố định, phần mềm Quản lý dữ liệu giao thông quốc gia, phần mềm Dự toán F, phần mềm Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục…
Hệ thống kết nối trực tuyến được triển khai thông suốt 4 cấp từ Trung ương đến xã để phục vụ các Hội nghị.
Công tác cải cách hành chính được chú trọng thực hiện, đến nay có 257 thủ tục hành chính cấp huyện, 114 thủ tục hành chính cấp xã, thị trấn được công khai trên môi trường mạng. Bộ phận Một cửa từ cấp huyện đến cấp xã được bố trí đầy đủ về nhân lực và cơ sở vật chất, 100% các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn có máy scan, máy tính phục vụ người dân giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến và thực hiện phần mềm quản lý văn bản điều hành đồng bộ, hiệu quả. Mỗi năm bình quân có trên 10.000 văn bản được ký số và ban hành trên hệ thống quản lý văn bản điều hành. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh được quan tâm triển khai, Trung tâm Y tế huyện đã thực hiện quét căn cước công dân gắn chíp trong tiếp đón người bệnh thay thế thẻ BHYT. Thực hiện lập hồ sơ sức khỏe điện tử, triển khai đồng bộ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trực tuyến trên phần mềm quản lý hộ tịch, khai sinh, khai tử, kết hôn, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, cấp bản sao trích lục hộ tịch, đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí… đều được triển khai số hóa điện tử đồng bộ từ huyện đến xã, thị trấn.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được quan tâm thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn đào tạo chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. 20/20 đơn vị cấp xã và 227/227 thôn, tổ phố có tổ công nghệ số cộng đồng. Các trường học đã đưa môn Tin học vào giảng dạy tại cấp học phổ thông, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác giảng dạy, quản lý nâng cao chất lượng dạy và học. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh đem lại năng suất, hiệu quả cao, như: Phần mềm kế toán, báo cáo thuế, phần mềm trích xuất nguồn gốc hàng hóa ... Hiện nay 100% doanh nghiệp đều sử dụng internet phục vụ cho hoạt động kinh doanh, quản lý; sử dụng website, mạng xã hội zalo, facebook,... để quảng bá giới thiệu sản phẩm, thương hiệu. Hoạt động thanh toán trực tuyến được mở rộng, nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh, dịch vụ chủ yếu thanh toán trực tuyến, cung cấp mã QR để thuận tiện cho khách hàng thanh toán các dịch vụ. Các cơ sở kinh doanh sản phẩm OCOP được nhà nước hỗ trợ buôn bán kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Các cơ sở chủ động kinh doanh buôn bán trên các sàn thương mại điện tử, 100% cơ sở sử dụng các kênh mạng xã hội để kinh doanh, quảng bá sản phẩm.
Chị Nông Thị Tâm, Giám đốc HTX rượu men lá Thanh Tâm, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn tâm sự: Người dân chúng tôi làm ra sản phẩm nhưng cần có thị trường tiêu thụ sản phẩm, được dự lớp tập huấn nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn tôi thấy rất bổ ích, thiết thực, giúp chúng tôi biết cách đưa sản phẩm của mình làm ra đến với người tiêu dùng thông qua các kênh khác nhau nhờ vào công nghệ thông tin, đây là xu hướng phát triển chung, ai cũng cần được tiếp cận, học tập.
Công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng thường xuyên được chú trọng quán triệt thực hiện nghiêm túc theo các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh mạng. 100% máy tính của cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện đến xã được cài đặt phần mềm phòng chống mã độc tập trung BKAV Enpoint để theo dõi tình trạng đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW một cách quyết liệt, sâu rộng, đồng bộ tên địa bàn huyện Chợ Đồn đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong thời kỳ hội nhập quốc tế của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể. Công nghệ thông tin nói chung, các hệ thống phần mềm dùng chung nói riêng được triển khai đã góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin, giảm thiểu thời gian, tiết kiệm giấy tờ, tăng cường sự giám sát của Nhân dân đối với tổ chức, tăng cường sự giám sát của cấp trên với cấp dưới, từ đó nâng cao hiệu quả xử lý, giải quyết công việc.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu chung như, việc đầu tư trang thiết bị, hạ tầng CNTT tại một số đơn vị chưa đồng bộ, do nguồn kinh phí chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn hẹp. Trên địa bàn huyện còn một số thôn do địa hình núi cao, hiểm trở, chia cắt nên việc đầu tư hạ tầng phát sóng của doanh nghiệp gặp khó khăn, các hệ thống phần mềm dùng chung chưa thật sự tối ưu. Việc đầu tư cơ sở vật chất hệ thống công nghệ thông tin chưa đầy đủ, nhiều thiết bị ngoại vi còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển công nghệ. Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng triển khai chưa đồng bộ, người dân tiếp cận và giao tiếp với chính quyền qua môi trường mạng còn hạn chế.
Bà Ma Thị Na, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết: Để tiếp tục phát huy hiệu quả tinh thần của Nghị quyết số 36-NQ/TW, huyện Chợ Đồn đang tiếp tục tập trung chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết 36-NQ/TW, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm cho các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin một cách thiết thực và hiệu quả.
Lớp tập huấn nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn năm 2023, tại Thị trấn Bằng Lũng.
Trên tinh thần đó, UBND huyện Chợ Đồn đang tiếp tục chỉ đạo triển khai các nội dung Nghị quyết 36-NQ/TW trên cơ sở kết quả đã đạt được, quan tâm, ưu tiên, bố trí nguồn vốn, các chương trình mục tiêu quốc gia về CNTT, thực hiện tốt công tác quản lý và thực thi các chính sách về an toàn thông tin.
Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông mở rộng mạng viễn thông, triển khai mạng viễn thông 5G tại một số khu vực có mật độ dân cư cao.
Nâng cao tỷ lệ số hóa hồ sơ, thủ tục hành chính, hình thành các mô hình giáo dục thông minh trong hệ thống giáo dục của của huyện, đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các nền tảng công nghệ số phục vụ quản lý khám chữa bệnh tại cơ sở y tế, hỗ trợ chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, phát triển mạng lưới logistics gắn với thương mại điện tử và chuỗi sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của huyện.
Thực hiện tốt công tác bảo mật thông tin, xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn, phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn. Vận hành, duy trì, cung cấp thông tin thường xuyên trên Cổng, Trang thông tin điện tử, nâng cao chất lượng tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.... xác định và thực hiện hiệu quả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Xác định ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin là yêu cầu cấp thiết, bắt buộc, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong cải cách hành chính nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời là chìa khóa để người dân tiếp cận với khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với sự quyết tâm nỗ lực cùng các giải pháp hữu hiệu Chợ Đồn sẽ có nhiều chuyển biến trong ứng dụng, phát triển CNTT trong thời gian tới./.
Tác giả: Hà Tuyết- VHTT