Bế giảng lớp đào tạo nghề xây dựng - nấu ăn năm 2024 tại xã Xuân Lạc.
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện Chợ Đồn giảm dần theo từng năm, đầu năm 2021 từ 18,37% với 2.424 hộ nghèo giảm xuống 13,04% vào cuối năm 2023, dự kiến đến cuối năm 2025 huyện giảm còn 8-10%, bình quân mỗi năm giảm 2-2,5%. Một trong những biện pháp huyện Chợ Đồn đã thực hiện có hiệu quả là đào tạo nghề và xuất khẩu lao động.
Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, hằng năm, UBND huyện Chợ Đồn đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan và các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp, việc làm; khảo sát nguồn nhân lực và nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, từ đó có kế hoạch tổ chức đào tạo nghề sát với nhu cầu xã hội.
Nhằm chuẩn hóa kỹ năng lao động và kết nối hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm; cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho người lao động, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp cùng các địa phương tổ chức ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động, trong 8 tháng đầu năm 2024 đơn vị đã giới thiệu 10 công ty tuyển dụng lao động đi nước ngoài theo hợp đồng tuyển lao động trên địa bàn. Đã tổ chức 12/40 lớp tư vấn, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp với 1.400 lao động tham gia.
Các hoạt động truyền thông về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; việc làm được tuyên truyền rộng rãi đến người nghèo và các đối tượng chính sách. Qua đó lan tỏa sâu rộng giá trị công tác đào tạo nghề và việc làm trong đời sống kinh tế - xã hội, tạo cho người lao động nghèo có thêm nghề mới, hoặc làm nghề cũ nhưng có thu nhập cao hơn.
Trong năm 2024, thực hiện đào tạo nghề cho người lao động thuộc Tiểu dự án 1 - Dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn” Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, huyện sẽ tập trung vào việc đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp với 10 lớp, số lượng khoảng 350 học viên, đào tạo ngành nghề như: chế biến món ăn; Nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; Nuôi và phòng trị bệnh cho gà, thuỷ cầm; Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; Kỹ thuật xây dựng. Thời gian đào tạo dưới 3 tháng. Đến nay đã khai giảng 04/10 lớp với 140/350 học viên đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Đối với Tiểu dự án 3 - Dự án 5 “Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 đã chức khai giảng 15/20 với 525/700 học viên lớp đào tạo nghề đối tượng dân tộc thiểu số. Ngành nghề đào tạo chủ yếu là kỹ thuật xây dựng; sản xuất, chế biến thức ăn hỗn hợp trong chăn nuôi; chế biến món ăn; sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; nuôi và phòng trị bệnh cho gà, thuỷ cầm; nuôi và phòng trị bệnh cho lợn.
Các lớp dạy nghề giúp người lao động, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có kiến thức để phát triển kinh tế hiệu quả.
Ông Hứa Văn Chấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chợ Đồn cho biết: Các lớp học nghề đã giúp người lao động nông thôn đặc biệt là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo và có tay nghề phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất, điều kiện tự nhiên đất đai, khí hậu, truyền thống canh tác cây trồng, vật nuôi, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Nhờ các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhiều người lao động nghèo được hỗ trợ học nghề, hỗ trợ vốn vay, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, từ đó sớm thoát nghèo, kinh doanh, sản xuất giỏi của huyện hoặc có người sau khi được tư vấn đã đi làm việc tại các công ty trong nước hoặc xuất khẩu lao động tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,…sau khi về đã trở thành hộ khá, giả.
Tác giả: Nông Đuổng