A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ Đồn nỗ lực xây dựng làng nghề nấu Rượu Bằng Phúc

Sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 588/KH-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2022 về việc xây dựng làng nghề Rượu Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn và làng nghề sản xuất Miến Dong Côn Minh, huyện Na Rì năm 2022 – 2023. Huyện Chợ Đồn đã chỉ đạo UBND xã Bằng Phúc tập trung xây dựng làng nghề Rượu đáp ứng các tiêu chuẩn của làng nghề theo quy định.

 Rượu men lá Bằng Phúc được nấu bằng phương pháp thủ công.

Nghề nấu Rượu ở xã Bằng Phúc đã được phổ biến tại 9/9 thôn với hơn 300 hộ trực tiếp sản xuất, tập trung nhiều nhất ở các thôn Nà Bay, Nà Pài, Bản Khiếu, Nà Hồng, Bản Chang, Nà Quân. Sản lượng Rượu sản xuất đạt hơn 6.000 lít/ngày, doanh thu từ sản xuất Rượu đạt hơn 65 tỷ đồng/năm. Toàn xã đã có 02 sản phẩm Rượu men lá được chứng nhận OCOP 4 sao của HTX Rượu men lá Bằng Phúc và HTX rượu men lá Thanh Tâm, có 03 sản phẩm Rượu men lá được chứng nhận OCOP 3 sao gồm Rượu men lá Tô Hoài, rượu men lá Sơn Phúc, rượu men lá ngân gỗ sồi Sơn Phúc. Hoạt động sản xuất kinh doanh từ nấu Rượu ổn định và mang đến cho người dân nguồn thu nhập khác nữa là chăn nuôi lợn sử dụng thức ăn từ bã Rượu, doanh thu hàng năm đạt gần 50 tỷ đồng, thị trường tiêu thụ Rượu không chỉ được các địa phương trong nước biết đến mà đã vươn ra cả thị trường Nhật Bản.

Tuy nhiên theo Nghị định số 52/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, để được công nhận làng nghề cần đáp ứng đủ 03 tiêu chí theo quy định. Kết quả rà soát, đánh giá của cơ quan chuyên môn cho thấy làng nghề nấu Rượu men lá Bằng Phúc mới đạt 02/03 tiêu chí gồm: tiêu chí có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn và tiêu chí hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 02 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận. Còn 01 tiêu chí là đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành hiện tại xã chưa đạt theo quy định. Do vậy hiện nay xã đang nỗ lực hoàn thiện tiêu chí này để sớm được công nhận làng nghề theo kế hoạch của tỉnh, huyện.

Chị Nông Thị Tâm, Giám đốc HTX  Rượu men lá Thanh Tâm cho biết: là HTX phát triển nghề nấu Rượu truyền thống tại địa phương, chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng bà con nhân dân của xã xây dựng các tiêu chí chưa đạt để được công nhận làng nghề theo quy định. Cụ thể như HTX tiếp tục xây dựng các phương án bảo vệ môi trường như: xử lý chất thải chăn nuôi bằng việc xây dựng hầm bioga ; thường xuyên kiểm tra nguồn nước sử dụng nấu rượu; vệ sinh môi trường xung quanh, kiểm định chất lượng Rượu theo quy định,…

Ông Hoàng Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Bằng Phúc cho biết: thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về xây dựng làng nghề Rượu Bằng Phúc, xã đã tập trung tổ chức tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, hộ gia đình tham gia nấu rượu cam kết thực hiện các nội dung quy định về làng nghề; nâng cao chất lượng, giữ gìn thương hiệu sản phẩm Rượu Bằng Phúc, tích cực bảo vệ môi trường.

 Đoàn công tác Chi cục phát triển nông thôn tỉnh khảo sát hỗ trợ xây bể bioga cho các hộ sản xuất rượu.

Để đạt tiêu chí đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành, tiến tới đủ 03 tiêu chí công nhận làng nghề,  UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn huyện phối hợp hướng dẫn UBND xã Bằng Phúc khẩn trương xây dựng Phương án bảo vệ môi trường làng nghề nấu Rượu; hướng dẫn các hộ sản xuất bố trí các khu chứa, sản xuất, chế biến, chăn nuôi hợp lý, đảm bảo vệ sinh, đảm bảo vệ môi trường; kịp thời tham mưu đề xuất, đề nghị các sở ngành cấp tỉnh hỗ trợ các nội dung liên quan đến xây dựng làng nghề; khẩn trương  hoàn thiện hồ sơ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận làng nghề nấu rượu men lá Bằng Phúc trong năm 2023. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo UBND xã Bằng Phúc tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì, phát triển và giữ vững thương hiệu Rượu men lá Bằng Phúc.

Cùng với việc đầu tư tuyến đường Thành phố Bắc Kạn - Ba Bể kết nối sang Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đi qua địa phận xã Bằng Phúc hoàn thành thì từ trung tâm xã đi đến Hồ Ba Bể chỉ còn 10 km, đến Thành phố Bắc Kạn chỉ còn 20 km sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tại xã Bằng Phúc, trong đó trải nghiệm nấu Rượu sẽ là một điểm nhấn du lịch độc đáo. Xây dựng làng nghề Rượu Bằng Phúc để nghề nấu rượu của bà con địa phương phát triển hơn nữa, đưa thương hiện Rượu Bằng Phúc thành sản phẩm du lịch, trở thành một trong những thế mạnh phát triển kinh tế của huyện là mục tiêu mà huyện Chợ Đồn đang nỗ lực thực hiện.

Tác giả: Ánh Nguyệt, Nông Đuổng

 

 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin nổi bật Tin nổi bật