Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại xã Bản Thi.
Là huyện có diện tích tự nhiên lớn trên 91.000ha, trong đó diện đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên 80.000ha, diện tích có rừng trên 76.000ha, độ che phủ rừng 80,05%.
Rừng tự nhiên của huyện đang trong thời kỳ phục hồi, có nhiều lớp thảm mục dày, các khu rừng trồng tập trung chủ yếu là rừng thuần loài, hầu hết là các loại cây rễ cháy như mỡ, keo, quế… và hầu như không có đường băng cản lửa cho các lô rừng. Nhiều khu vực trọng điểm cháy đều không tập trung, xa khu dân cư, địa hình chia cắt do đó rất khó khăn cho công tác chữa cháy nếu có cháy rừng xảy ra, như các xã: Bình Trung, Nghĩa Tá, Yên Mỹ, Phương Viên, Ngọc Phái, Bằng Lãng, Bản Thi, Xuân Lạc… Bên cạnh đó, một số bộ phận người dân vẫn còn thiếu ý thức không tuân thủ đúng quy định về PCCCR của ngành chức năng nên có lúc đã vô tình gây ra cháy. Thống kê trong năm 2024, trên địa bàn huyện đã xảy ra 2 vụ cháy rừng tại xã Bằng Lãng và Yên Thịnh.
Cháy rừng tại xã Bằng Lãng xảy ra trong tháng 11/2024.
Từ thực tiễn cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của cháy rừng là do con người dùng lửa bất cẩn, thiếu cảnh giác gây ra. Việc nâng cao nhận thức của người dân về phòng cháy là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết. Vì vậy, huyện luôn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Năm 2024, huyện thực hiện tuyên truyền được 183 cuộc với trên 7.000 lượt người tham dự, phát hơn 1.000 tờ gấp tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin địa chúng, đồng thời ngành chức năng quản lý, theo dõi các bảng biển tuyên truyền trên địa bàn. Tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại xã Bản Thi, Bình Trung, qua đó đánh giá khả năng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Hạt Kiểm lâm huyện bố trí lãnh đạo, cán bộ trực 24/24 giờ, thực hiện nghiêm túc ca trực và dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên; đồng thời thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng, kịp thời thông báo cấp dự báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lực lượng Kiểm lâm địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở, kiểm tra công tác phòng cháy của các chủ rừng và hoạt động của các tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng ở các thôn, bản.
Hướng dẫn người dân xử lý thực bì trồng rừng tuân thủ các quy định của ngành chức năng.
Để đề phòng cháy rừng hiệu quả trong mùa khô năm nay, UBND huyện đề nghị các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn triển khai nghiêm túc Công điện số 16/CĐ-UBND ngày 06/11/2024 của UBND tỉnh Bắc Kạn, cụ thể:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR; xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR trong từng cộng đồng dân cư. Bố trí lực lượng thường trực công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Nắm bắt, theo dõi, xử lý thông tin, dự báo, cảnh báo tình hình cháy rừng. Kịp thời tham mưu đề xuất các biện pháp chỉ đạo PCCCR. Thường xuyên thông báo cấp dự báo cháy rừng trong những tháng mùa khô để các lực lượng và người dân biết chủ động PCCCR. Tiến hành kiểm tra, khoanh vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng, huy động các lực lượng tại chỗ để ứng phó; bố trí trực PCCCR thường xuyên 24/24 giờ trong những tháng mùa khô (đặc biệt là các ngày nghỉ) để kịp thời phát hiện và xử lý ngay khi có đám cháy. Đặc biệt chú trọng tại các khu vực, địa bàn thường xuyên có nguy cơ rất cao cháy rừng. Trường hợp đám cháy vượt tầm kiểm soát phải kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, UBND huyện để có biện pháp xử lý kịp thời. Củng cố lực lượng bảo vệ rừng ở sơ sở và chữa cháy rừng, huy động lực lượng chữa cháy khi xảy ra cháy rừng. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác PCCCR và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong suốt mùa khô. Thủ trưởng đơn vị và Chủ tịch UBND xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra cháy rừng trên địa bàn, lâm phần mình quản lý.
Bảo vệ rừng là nghĩa vụ, trách nhiệm của tất cả mọi người.
Hạt Kiểm lâm và các đơn vị liên quan, phối hợp thực hiện tốt các quy định hiện hành trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo ứng phó kịp thời với các tình huống cháy rừng xảy ra; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ các địa phương trong việc chữa cháy rừng.
UBND các xã, thị trấn, chỉ đạo, hướng dẫn các chủ rừng chủ động tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy trên địa bàn; quản lý chặt chẽ việc dọn đốt nương rẫy; kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất nương rẫy tại các khu vực gần rừng, nghiêm cấm sử dụng lửa để xử lý thực bì, đốt nương rẫy và những hành vi dùng lửa khác ở khu vực ven rừng, trong rừng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về PCCCR. Tăng cường vai trò trách nhiệm công tác bảo vệ, PCCCR đối với diện tích rừng do đơn vị quản lý; thực hiện đúng phương án PCCCR và chịu trách nhiệm về diện tích rừng được giao quản lý. Tổ chức trực và có biện pháp ngăn chặn các hoạt động sử dụng lửa vô ý thức trong rừng và ven rừng...
Cháy rừng là làm suy thoái môi trường, mất đa dạng sinh học, mất môi trường sống của động thực vật, làm trái đất nóng lên, xói mòn, thay đổi khí hậu nhiều khu vực, suy giảm tầng ozon và làm mất đi khả năng tái sinh tự nhiên cũng như giảm độ che phủ của rừng. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng và chính quyền địa phương thì rất cần sự vào cuộc của người dân, có như vậy, công tác PCCCR trên địa bàn mới phát huy được hiệu quả.
Tác giả: Thu Thúy