|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nét đẹp trang phục truyền thống của người Tày

Huyện Chợ Đồn có hơn 51.000 người là dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Tày chiếm tỷ lệ cao nhất với 71,6% tổng dân số. Cùng với dân tộc Tày thuộc các huyện của tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh miền núi phía Đông Bắc như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng,…cuộc sống của người Tày trải qua quá trình tồn tại và phát triển đã tích lũy được những giá trị văn hóa đa dạng, độc đáo riêng có của dân tộc mình. Đặc biệt, trang phục truyền thống của người Tày, từ lâu đã trở thành biểu tượng của văn hóa, mang đến vẻ đẹp nền nã, bình dị và độc đáo. 

Phụ nữ dân tộc Tày huyện Chợ Đồn duyên dáng trong tà áo dài truyền thống.

Ngày nay, để phù hợp với cuộc sống hiện đại và công việc hằng ngày, một số người Tày, đặc biệt là lớp trẻ đã chọn cách ăn mặc giống với dân tộc Kinh cho tiện lợi với công việc và kinh tế. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng trang phục truyền thống của người Tày dù trải qua bao thăng trầm vẫn được giữ gìn và kế thừa qua mọi thế hệ với niềm tự hào cùng sắc núi hương rừng. Người Tày vẫn thường mặc trang phục truyền thống trong các dịp trọng đại như ngày lễ cưới, lễ tết, các ngày hội lớn…

Trang phục truyền thống của người Tày được cắt may từ vải sợi bông tự dệt, được nhuộm chàm xanh đồng nhất cho cả nam và nữ, cắt may cầu kỳ phù hợp cho mọi lứa tuổi, không có nhiều họa tiết trang trí. 

Trang phục truyền thống của người Tày được may bằng vải chàm.

Trang phục nữ giới gồm áo cánh, áo dài năm thân, quần váy, thắt lưng, khăn đội đầu, hài vải. Phụ nữ Tày còn thắt lưng bằng những tấm vải chàm hay đũi dài khoảng hai sải tay làm tăng thêm vẻ duyên dáng nhất là với thanh nữ. Cũng như nam giới, phụ nữ Tày thường mặc thêm chiếc áo trắng ở bên trong vào những ngày lễ tết. Trước đây phụ nữ Tày mặc váy, nhưng gần đây phổ biến mặc quần; nguyên tắc cắt may giống nam giới nhưng kích thước có phần hẹp hơn. Khăn phụ nữ Tày cũng là loại khăn vuông màu chàm khi đội gập chéo giống kiểu mỏ quạ của người Kinh.

Đồ trang sức: Phụ nữ Tày thường đeo khuyên tai, nhẫn đeo tay, vòng cổ, vòng tay, vòng chân bằng bạc. Những món đồ trang sức này không chỉ làm đẹp mà còn thể hiện về sự giàu có, gắn với tâm linh và thước đo sức khỏe trong tri thức bản địa của người Tày.

 Trang phục truyền thống dân tộc Tày của nam.

Trang phục nam giới người Tày có quần chân què, đũng rộng, cạp lá tọa, áo ngắn cũng may năm thân, cổ đứng. Nam cũng có áo dài như cái áo ngắn kéo dài vạt xuống quá đầu gối. Ngoài ra, họ còn có thêm áo 4 thân, đây là loại áo xẻ ngực, cổ tròn cao, không cầu vai, xẻ tà, cài cúc vải và có hai túi nhỏ ở phía trước,

Vào những ngày hội hè người ta mặc áo cánh trắng ở trong có lẽ vì vậy mà người Tày còn được gọi là người áo trắng để phân biệt với người Nùng thường chỉ mặc áo chàm. Ngoài ra, đàn ông Tày còn mặc thêm loại áo dài 5 thân xẻ nách phải, đơm cúc vải hay cúc đồng. Quần (khóa) cũng làm bằng vải sợi bông nhuộm chàm như áo, cắt theo kiễu quần đũng chéo, độ choãng vừa phải dài tới mắt cá chân. Quần có cạp rộng không luồn rút, khi mặc có dây buộc ngoài. Khăn đội đầu màu chàm (30cm x 200cm) quấn trên đầu theo lối chữ nhân.

Trang phục dân tộc Tày từ ngàn xưa tới nay không chỉ là một bộ quần áo che thân đơn thuần mà còn là biểu tượng văn hóa được các thế hệ cha ông của người Tày đúc kết từ những giá trị tinh hoa nhất của dân tộc mình truyền lại, thể hiện bản sắc độc đáo riêng có của người Tày ẩn chứa nhiều ý nghĩa văn hóa và tinh thần sâu sắc. Mỗi chi tiết trong trang phục đều mang một thông điệp riêng, thể hiện quan niệm thẩm mỹ, tín ngưỡng và bản sắc độc đáo của người Tày.    

Phụ nữ dân tộc Tày sử dụng trang phục truyền thống tham gia các Lễ hội tổ chức tại địa phương.

Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại hóa, trang phục Tày vẫn được gìn giữ và sử dụng trong các dịp lễ thành hôn, lễ hội, các sự kiện trọng đại của dân tộc, thể hiện niềm tự hào và tình yêu của người Tày đối với truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Đặc biệt, bộ trang phục Tày còn được gắn với tư duy về vũ trụ của người Tày, gắn với văn hóa tâm linh của dân tộc, như màu xanh chàm tượng trưng cho bầu trời, màu trắng tượng trưng cho mặt đất, tượng trưng âm và dương kết hợp hài hòa tạo sự sinh tồn vĩnh cửu. Thông qua kỹ thuật cắt may, kết nối từng bộ phận của chiếc áo trong bộ trang phục của người Tày, mỗi mảnh ghép trên chiếc áo đều có chức năng và ý nghĩa khác nhau, từ tình cha nghĩa mẹ, tình anh em họ hàng, nội ngoại, làng xóm láng giềng. Từ ý nghĩa nhân văn đó chiếc áo còn thể hiện tính cố kết cộng đồng bền chặt cộng đồng từ trong gia đình và ra ngoài xã hội.

Những năm gần đây do nhu cầu của nghệ thuật biểu diễn, chiếc áo dài Tày được phục hồi phục vụ chủ yếu cho biểu diễn trang phục, các nhà thiết kế đã phục dựng và trang trí, tô điểm thêm nhiều loại hoa văn dựa trên hoa văn thổ cẩm của người Tày để trang trí lên chiếc áo dài truyền thống, tạo thêm nét lung linh, sinh động hơn.

Nhưng dù là cách tân hay truyền thống vẫn cần sự hài hòa, trang nghiêm, tinh tế và tôn trọng lịch sử chiếc áo dài truyền thống của người Tày, bởi đó là biểu tượng, là bản sắc, là sự kết tinh những giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc của chiếc áo dài gắn với nhân cách sống của người Tày.

  Tác giả : Nông Đuổng              

 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu