Từ cuối năm 2022 đến nay, huyện Chợ Đồn đã tổ chức 31 lớp dạy nghề triển khai ngay tại thôn, trong đó tập trung vào các thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số với các nghề như kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thú y, xây dựng…Ở những thôn, bản vùng cao có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số chiếm phần lớn, đào tạo nghề trực tiếp đã khắc phục được việc bà con không phải bỏ công để xuống trung tâm xã hoặc ra huyện để theo học, số thời gian thực hành cũng nhiều hơn lý thuyết. Ví dụ như đàn vật nuôi bị bệnh được giáo viên kiểm tra ngay tại chuồng trại, chẩn đoán về loại bệnh, loại thuốc chữa và quá trình điều trị, kiểm tra sau khi các học viên thực hành trên chính đàn vật nuôi của mình…
Lớp dạy nghề thú y tại xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn
Trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, huyện Chợ Đồn đã xây dựng chương trình, kế hoạch và phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho bà con theo tinh thần “dạy những cái nông dân cần”, hướng vào đối tượng người lao động tại chỗ. Thời gian qua, từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã phân bổ hơn 4,4 tỷ đồng thực hiện công tác đào tạo nghề. Hơn 1.000 học viên đã tham gia. Các lớp được tổ chức theo hướng vừa học vừa được thực hành trực tiếp nên rất dễ hiểu và có thể áp dụng được ngay.
Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã có sự đổi mới phù hợp với điều kiện thực tế, trình độ nhận thức của người dân. Việc dạy nghề theo phương châm “cầm tay chỉ việc” sẽ giúp bà con tham gia lớp học nhanh chóng tiếp thu kiến thức và áp dụng vào thực tiễn ngay tại gia đình. Đồng thời có tác động tích cực đến việc giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập..../.
Tác giả: Phòng VH&TT Chợ Đồn