Sở Y tế, Trung tâm y tế huyện giám sát công tác phòng chống dịch bệnh sau bão tại Trạm Y tế xã Nam Cường.
Ông Nông Văn Quân, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Chợ Đồn cho biết: Trung tâm Y tế tổ chức họp, triển khai công tác các biện pháp ứng phó mưa to, lũ lớn do ảnh hưởng của bão số 3 như: Chỉ đạo các Trạm Y tế xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, báo cáo tình hình bão lũ, tổng hợp báo cáo kịp thời các thiệt hai do bão lũ gây ra. Cử đoàn công tác do đồng chí Phó Giám đốc làm trưởng đoàn đến kiểm tra, thăm nắm tình hình tại Trạm Y tế xã Nam Cường đã chỉ đạo Trạm Y tế xã thực hiện phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo công tác sơ cấp cứu khi có sự cố, đảm bảo việc khám bệnh, chữa bệnh cho bà con nhân dân trong thời gian xảy ra mưa lũ.
Để chủ động các biện pháp ứng phó bão số 3, Trung tâm y tế huyện đã chuẩn bị các loại thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám, chữa bệnh. Chỉ đạo Khoa Dược chuẩn bị đủ cơ số thuốc phục vụ cho công tác cấp cứu, cũng như vật tư, hóa chất xử lý các dịch bệnh, môi trường sau mưa lũ, chủ động các phương án huy động thuốc, vật tư, hóa chất khi cần. Tổ chức kiểm tra số lượng thuốc sẵn có tại Trạm Y tế xã Nam Cường, đồng thời trong ngày 10/9/2024 Trung tâm Y tế tế đã chuyển cơ số thuốc thiết yếu phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, cấp cứu cho Trạm Y tế xã Nam Cường bao gồm 18 loại thuốc. Sẵn sàng 02 xe ô tô cứu thương để tham gia phục vụ công tác cấp cứu khi có tình huống xảy ra. Quán triệt thực hiện thường trực cấp cứu 24/24h tại truyến huyện và các Trạm Y tế xã, đảm bảo quân số thường trực, đảm bảo các kíp trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ. Triển khai họp các Tổ cấp cứu ngoài viện (02 Tổ) đảm bảo nhiệm vụ cấp cứu người bệnh tại cộng đồng và vận chuyển người bệnh cấp cứu đến bệnh viện để tiếp tục điều trị. Các tổ thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn các Trạm Y tế xã, thị trấn khi có yêu cầu; Thực hiện theo lệnh điều động của Ban giám đốc Trung tâm Y tế.
Đoàn công tác Trung tâm y tế huyện vận chuyển thuốc, vật tư y tế cho Trạm y tế xã Nam Cường (Ảnh Trung tâm y tế)
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, các Khoa, Phòng chuyên môn luôn đảm bảo nhân lực, phương tiện, thiết bị, thuốc khử trùng, vật tư sẵn sàng phòng chống dịch như: bình phun, hóa chất khử khuẩn, hiện tại đã chuyển 45 kg hoá chất Cloramin B cho Trạm y tế xã Nam Cường, tiếp tục dự trù số lượng hoá chất Cloramin B với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh để triển khai tiêu độc, khử trùng sau khi nước rút. Đội cơ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm (02 Đội) đảm bảo đủ nhân lực, vật lực để điều tra, xác định về tình hình dịch, chủ động phát hiện, cảnh báo sớm và triển khai đáp ứng nhanh khi có lệnh điều động việc xử lý dập tắt dịch. Sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu hỗ trợ về chuyên môn. Triển khai công tác truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống, dịch bệnh sau lụt bão tại các điểm tập trung người dân lánh nạn, các hộ gia đình bị ngập nước, phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành cung cấp nước uống cho người dân trong vùng ngập lụt.
Qua công tác kiểm tra, thăm nắm tình hình, hiện nay tại các vùng ngập lụt chưa có các dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên dự báo tình hình dịch bệnh những ngày tới khi nước rút tại các xã, nhất là Nam Cường có khả năng phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm liên quan đến môi trường và nguồn nước. Do vậy, Trung tâm y tế huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các Khoa, Phòng, các Trạm Y tế xã, thị trấn, đặc biệt là xã Nam Cường chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ như về nhân lực, vật lực, thuốc, hóa chất phục vụ công tác cấp cứu, phòng ngừa dịch sau bão; hướng dẫn công tác đảm bảo vệ sinh cơ sở nhà ở. Tập trung công tác phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường sau mưa lũ, cung ứng vật tư, hóa chất cho các đơn vị để xử lý môi trường.
Thanh niên huyện Chợ Đồn tình nguyện tham gia dọn vệ sinh môi trường tại xã Nam Cường (Ảnh Ma Thị Bằng).
Bộ Y tế hướng dẫn cách vệ sinh cá nhân trong và sau mùa bão lũ
Người dân vùng mưa lũ cần lưu ý cách vệ sinh cá nhân để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình như:
Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch: trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với đồ vật bẩn, nước bẩn.
Ăn chín uống sôi, sử dụng nước sạch chế biến thực phẩm; Không ăn thức ăn ôi thiu, thực phẩm quá hạn sử dụng, thịt gia súc/gia cầm mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân.
Không ăn rau sống lấy từ vùng ngập lụt. Không bơi lội, tắm hay chơi đùa trong nước ngập lụt; sử dụng khăn mặt, quần áo riêng.
Giặt và phơi khăn mặt, quần áo ra nắng. Không mặc quần áo ẩm ướt. Ngủ màn phòng chống muỗi.
Tác giả: Nông Đuổng