A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phụ nữ Bản Ỏm học Bác thực hành tiết kiệm, giúp nhau vượt khó

Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ngọc Phái đã tích cực vận động, tuyên truyền hội viên triển khai thực hiện tốt phong trào học và làm theo Bác. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu trong lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần tạo động lực thúc đẩy phụ nữ trên địa bàn hăng hái thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Mô hình học Bác thực hành tiết kiệm, giúp nhau vượt khó của Chi hội phụ nữ thôn Bản Ỏm là một điển hình tiêu biểu.

 

Nhóm “Cổ phần tài chính tự quản” thôn Bản Ỏm sinh hoạt góp cổ phần hàng tháng để tạo nguồn quỹ hỗ trợ hội viên cùng vay phát triển kinh tế.

Trong những năm qua, để phong trào học và làm theo Bác có hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình vươn lên làm giàu chính đáng. Hội LHPN xã Ngọc Phái đã tích cực vận động tuyên truyền, phát động phong trào học và làm theo Bác gắn với xây dựng các mô hình phát triển kinh tế từ chính nguồn vốn thực hành tiết kiệm. Theo định kỳ, cứ đến hàng tháng, các hội viên Chi hội phụ nữ Bản Ỏm, xã Ngọc Phái lại tập trung sinh hoạt và đóng góp tiền vào quỹ tiết kiệm phụ nữ với tên gọi “Nhóm Cổ phần tài chính tự quản”. Đây là hình thức tiết kiệm được chi hội triển khai và tuyên truyền hoạt động từ tháng 5 năm 2019 với sự tham gia của hơn 30 hội viên. Nhận thức được ý nghĩa và lợi ích của mô hình, các chị em đều chủ động và tích cực tham gia, số hội viên tăng lên không ngừng từ 30 hội viên năm 2019, đến năm 2023 đã tăng lên 34 hội viên đủ các độ tuổi.

Chị Lường Thị Tơ – Trưởng nhóm “Cổ phần tài chính tự quản” thôn Bản Ỏm xã Ngọc Phái cho biết: Các thành viên xây dựng mệnh giá 50.000đ/cổ phần, tiết kiệm tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, có tháng chỉ mua 1 cổ phần, có tháng 20 đến 30 cổ phần. Nhóm quy định lãi suất 0,7% phù hợp và được 100% thành viên nhất trí.  Thủ tục vay nhanh, gọn không mất thời gian, giải ngân vốn luôn. Các khoản vay không mất đi mà sẽ được chia lại cho các thành viên vào cuối kỳ, lãi chia trên số cổ phần, tùy vào số lượng cổ phần mà họ đã mua. Qua đó khuyến khích cả việc tiết kiệm và vay để phát triển kinh tế của các thành viên.

Sau gần 4 năm triển khai, mô hình đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp chị em có nguồn vốn đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống. Từ tháng 5/2019 đến tháng 2/2023, nhóm đã tiết kiệm được 7.701 cổ phần với số tiền trên 385 triệu đồng cho 56 lượt thành viên vay. Nguồn quỹ được duy trì, luôn chuyển tạo điều kiện cho nhiều lượt hội viên trong thôn bản vay vốn để đầu tư sản xuất phát triển kinh tế, vượt khó vươn lên. 

Chị Trần Thị Thẩm – Hội viên nhóm “Cổ phần tài chính tự quản” thôn Bản Ỏm, xã Ngọc Phái, chia sẻ: Trước đây cuộc sống của chị em trong thôn bản rất khó khăn bởi nguồn thu nhập bấp bênh lại thiếu vốn để sản xuất. Nhưng từ khi thành lập nhóm cổ phần tài chính tự quản đến nay được 4 năm, nhờ được vay ưu đãi từ nguồn quỹ tiết kiệm chị em có vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp cuộc sống của chị em ổn định hơn.

Theo đánh giá của chị Nông Thị Tuyết Linh - Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Phái thì mô hình nhóm “Cổ phần tài chính tự quản” của Chi hội Bản Ỏm thời gian qua đã hoạt động rất hiệu quả, được chị em nhiệt tình ủng hộ. Nhiều chị em đã có cuộc sống tốt hơn thông qua nguồn vốn chủ động của chính các hội viên xây dựng. Cùng với hoạt động tiết kiệm thông qua mô hình “ Nhóm cổ phần tài chính tự quản” của chị em phụ nữ ở Bản Ỏm thì  các Chi hội phụ nữ trong toàn xã cũng tích cực xây dựng các mô hình tiết kiệm như “Ống tiền kiệm”, xây dựng quỹ hội, quỹ tổ để tổ chức các hoạt động thiết thực làm theo Bác. Tích cực lao động, sản xuất, gắn liền với thực hiện các cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, gia đình văn hóa từ đó tạo động lực thúc đẩy phụ nữ trên địa bàn hăng hái thi đua, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Mô hình nhóm “Cổ phần tài chính tự quản” được thành lập không chỉ mang lại hiệu quả tích cực trong việc thay đổi nhận thức và hình thành thói quen tiết kiệm cho hội viên phụ nữ và chính là cụ thể hoá việc học và làm theo Bác thực hành tiết kiệm trong cuộc sống thường ngày. Từ cách làm đó, nhiều chị em đã nâng cao tính chủ động về tài chính, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, đây còn là nơi để chị em trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, chia sẻ về cuộc sống gia đình, cách nuôi dạy con cái, tạo dựng tinh thần đoàn kết và sự tích cực tham gia sinh hoạt và các hoạt động của Hội, của thôn, xóm, từ đó đời sống kinh tế của chị em được cải thiện, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

                                          Tác giả: Hương Liễu


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật