A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người cao tuổi huyện Chợ Đồn thi đua làm kinh tế giỏi

Phát huy tinh thần “Tuổi cao, gương sáng”, trong những năm qua cán bộ, hội viên người cao tuổi huyện Chợ Đồn luôn gương mẫu, đi đầu thực hiện các phong trào thi đua, hoạt động tại địa phương. Trong đó có nhiều tấm gương điển hình trong xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao đã tạo được niềm tin, là tấm gương sáng cho con, cháu trong gia đình và người dân học tập, noi theo.

Ông Hà Văn Cẩn – Người cao tuổi thị trấn Bằng Lũng luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Hiện nay, người cao tuổi toàn huyện có 6.733 người, trong đó có 5.342 hội viên, chiếm gần 80% người cao tuổi, người cao tuổi là nông dân có 4.897 người, người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất có 3.493 người, chiếm 52% so với tổng số người cao tuồi. Những năm qua, thực hiện phong trào “ Tuổi cao gương sáng” nhiều người cao tuổi tại các địa phương trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia lao động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tham gia phong trào xóa đói giảm nghèo, phấn đấu làm giàu chính đáng. Các cụ còn sức khỏe đã trực tiếp tham gia, các cụ sức khỏe có hạn đã hướng dẫn, tư vấn cho con cháu về kinh nghiệm, hướng làm ăn cho hiệu quả từ đó xuất hiện những gương điển hình làm kinh tế giỏi, những mô hình phát triển kinh tế của người cao tuổi tiêu biểu để nhân rộng, học tập làm theo. 

Ông Hà Văn Cẩn, hội viên người cao tuổi ở thôn Bản Duồng 1, thị trấn Bằng Lũng năm nay đã bước sang tuổi 69 nhưng vẫn hăng say lao động.  Nhiều năm qua, với tinh thần tuổi cao gương sáng, ông đã nỗ lực xây dựng thành công mô hình phát triển chăn nuôi hiệu quả, lan tỏa tinh thần lao động, sản xuất kinh doanh giỏi trong cộng đồng. Ông hiện là hội viên tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương với thu nhập lên đến vài trăm triệu đồng/năm. Ông chia sẻ: Sau 6 năm phục vụ trong quân đội, năm 1978 ông xuất ngũ trở về quê hương. Sau khi lập gia đình, ông bắt đầu chăn nuôi lợn. Lúc đầu, vì chưa có vốn, ông chỉ nuôi vài con, rồi dần dần khi có kinh nghiệm, vốn tích lũy. Từ năm 2010 đến nay, ông mở rộng chuồng trại, tăng dần số lượng từ vài chục lên đến vài trăm con mỗi lứa. Nhờ chăn nuôi khoa học, mỗi năm trang trại xuất bán 4-5 lứa lợn liên tục, mang lại giá trị kinh tế lên đến cả tỷ đồng. Không chỉ đầu tư vào lợn, ông Cẩn còn nuôi thêm gà thả vườn quy mô gần 1.000 con/năm, đầu tư ao nuôi cá rộng hơn 2.000mmỗi năm bán ra vài tạ…Sau nhiều năm nỗ lực, gia đình ông Cẩn đã có của ăn, của để, xây dựng được căn nhà khang trang, nuôi 4 người con ăn học đầy đủ. Ngoài ra, ông còn giúp cho 3 lao động địa phương có việc làm thường xuyên, trong đó có 01 cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn.Hiện ông còn liên kết với Công ty TNHH Nam Huế (TP. Bắc Kạn) mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi cho các hộ dân lân cận, giúp đỡ địa phương xây dựng nông thôn mới, tặng quà cho hộ nghèo vào các dịp lễ, Tết.

Với tiềm năng lợi thế và những chính sách ưu tiên cho phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, ưu tiên về vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật của cấp uỷ chính quyển địa phương, những năm qua, không chỉ riêng ông Cẩn mà nhiều người cao tuổi ở huyện Chợ Đồn đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như chăn nuôi, trồng rừng, kinh doanh, dịch vụ …cho thu nhập cao, từ đó nhân rộng và phát triển, thu hút được lao động có việc làm và thu nhập ổn định.Tiêu biểu như mô hình phát triển nông - lâm kết hợp của ông Ma Văn Hùng, xã Yên Mỹ; Ma Ngọc Hân xã Yên Phong; Nông Thanh Tịnh, xã Phương Viên; Sằm Văn Thiện, Triệu Văn Dinh, Hoàng Thị Ninh xã Đồng Thắng... đặc biệt có ông Giàng Seo Sùng, dân tộc Mông ở thôn Khuổi Đẩy đã trồng cây chè hoa vàng và cam Vinh, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trong phát triển mô hình trồng rừng, tiêu biểu như hộ ông Ma Văn Đảo, Trương Quốc Bùi, Tho Thị Hồng ở xã Yên Phong; Ma Thị Thiếp ở xã Nghĩa Tá là những hội viên tích cực được biểu dương khen thưởng. Trong phát triển chăn nuôi, nhiều mô hình tiêu biểu như ông Hà Văn Cẩn, Triệu Thị Thái, Phạm Văn Luân thị trấn Bằng Lũng; Dương Văn Tỉnh, Nông Thanh Tịnh, Lường Thị Ty, Nguyễn Duy Thưởng xã Phương Viên; Ma Đình Đồng, Triệu Văn Thiện xã Nghĩa Tá; Chu Đức Thuận xã Lương Bằng; Hoàng Văn Nhị xã Bằng Lãng; Nông Thế Dung xã Tân Lập; Mai Tiến Đình, Sằm Văn Lô xã Yên Thịnh; Phạm Hữu Nghiệp, Trần Gia Tạch xã Bản Thi …hằng năm cho thu nhập từ 50 đến 100 - 200 triệu đồng. 

Trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, hợp tác xã có các mô hình do người cao tuổi phát triển như hộ ông Nguyễn Thành Tâm, xã Phương Viên với dịch vụ chế biến bánh phở từ gạo Bao thai, giao cho các quán ăn trung bình 2 tạ/ngày và làm quán ăn sáng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, doanh thu mỗi năm trên 300 triệu đồng; ông Ma Văn Cát xã Yên Thịnh là hộ kinh doanh xăng dầu và hàng tạp hóa; ông Hoàng Ngọc Anh ở xã Bình Trung, tuy không trực tiếp làm nhưng ông đã cố vấn bảo con, cháu chuyên làm bún, phở khô, tạo việc làm cho 05 lao động có thu nhập ổn định trên 06 triệu đồng/tháng. Mô hình HTX Hòa Thịnh, tại thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá do ông Chu Viết Hòa làm Giám đốc chuyên trồng và chế biến chè hoa vàng, thu hút 13 lao động có việc làm. Trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng có nhiều tấm gương tiêu biểu như ông Trương Quốc Tự, Công ty chế biến gỗ Trường Thành ở xã Bình Trung, tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động, có thu nhập từ 05 triệu đồng trở lên/tháng; ông Nguyễn Tiến Vùng, Doanh nghiệp Lâm Sơn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các công trình trụ sở, nhà làm việc các cơ quan, đường giao thông nông thôn mới, thu hút nhiều lao động ở địa phương.

Với ý chí tự lực, tự cường, bằng những kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống, cán bộ, hội viên người cao tuổi huyện Chợ Đồn đã trực tiếp tham gia lao động sản xuất, động viên con cháu đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần ổn định và nâng cao đời sống gia đình. Hiện toàn huyện có 314 người cao tuổi đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp trong đó có 269 người cao tuổi đạt sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở, 38 người cao tuổi đạt cấp huyện và 7 người cao tuổi đạt sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Ông Hà Sỹ Thẩm - Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện Chợ Đồn cho biết: “Để tiếp tục phát huy vai trò người cao tuổi làm kinh tế giỏi, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng, qua đó nhân rộng các mô hình, điển hình người cao tuổi làm kinh tế giỏi ở địa phương”.

Có thể khẳng định, thông qua phong trào làm kinh tế giỏi của người cao tuổi huyện Chợ Đồn không chỉ phát huy được tinh thần, ý chí của người cao tuổi trong phát triển kinh tế mà còn phát huy vai trò, vị thế của người cao tuổi trong việc giáo dục con, cháu tinh thần tự lập, đức tính cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Cùng với đó, phong trào cũng đã góp phần tích cực vào việc giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giàu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

      Tác giả: Hương Liễu


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật