Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT kiểm tra tiến độ sản xuất cây khoai tây tại xã Nam Cường.
Để đạt được mục tiêu sản xuất vụ đông, nhất là mục tiêu về diện tích cây trồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn chủ động làm đầu mối, liên kết với những doanh nghiệp đã từng thu mua sản phẩm nông nghiệp trong những vụ trước và tìm kiếm những doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm mới để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, bảo đảm sản phẩm sản xuất ra được thu mua, tiêu thụ ổn định.
Trong hai năm 2021-2022, Hợp tác xã Nam Cường đã thực hiện liên kết với các hộ dân trên địa bàn xã Nam Cường tổ chức sản xuất cây khoai tây vụ đông với diện tích khoảng 10ha và trong vụ đông năm 2023, Hợp tác xã đã nâng diện tích liên kết lên 35ha. Ông Đỗ Văn Nam - Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Hợp tác xã đã ký kết hợp đồng bao tiêu 100% sản phẩm cho các hộ dân theo giá thị trường; trực tiếp giám sát, hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ máy móc để làm đất, vun trồng. Dự kiến trong những năm tới, Hợp tác xã tiếp tục duy trì và dự kiến mở rộng diện tích liên kết khoảng 20ha tại xã Đồng Lạc.
Huyện cũng triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất ngành trồng trọt đặc biệt là hỗ trợ thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất. Theo thống kê, vụ đông năm nay huyện đã mở rộng nhiều diện tích cây trồng được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm như: Khoai tây 35ha , tăng 25ha so với vụ trước; dâu tây 04ha tăng 3ha so với năm 2022; duy trì diện tích dưa chuột 3,5ha, kiệu 02ha.
Người dân thu hoạch dưa chuột.
Ông Lục Đình Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Mặc dù huyện và các cơ quan chuyên môn cũng như các xã, thị trấn đã quan tâm tuyên truyền và có các chính sách hỗ trợ người dân trồng cây vụ đông. Tuy nhiên sản xuất cây trồng vụ đông trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, một số loại cây trồng đã được liên kết sản xuất trong vụ trước như: ngô ngọt, ngô sinh khối, củ cải, rau cải nhật… không được duy trì tiếp trong năm nay. Nguyên nhân là do trên địa bàn huyện thiếu các doanh nghiệp, Hợp tác xã lớn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp để có thể liên kết bao tiêu sản phẩm bền vững; đa số người dân còn chưa quen với việc thay đổi tập quán canh tác từ 2 vụ/năm sang 3 vụ/năm, bên cạnh đó người dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa sản xuất đúng với yêu cầu của doanh nghiệp dẫn đến liên kết bị phá vỡ.
Diện tích liên kết trồng cây dâu tây của HTX Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân.
Trước những khó khăn trong liên kết sản xuất cây trồng vụ đông, trong thời gian tới Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và UBND các xã, thị trấn tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả trong sản xuất vụ đông và trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho Doanh nghiệp, Hợp tác xã khi đứng ra tổ chức liên kết sản xuất với các hộ dân trên địa bàn huyện để có thể phát triển các vùng sản xuất vụ đông tập trung, quy mô lớn hơn trong tương lai./.
Tác giả: Ánh Nguyệt - Phòng NN&PTNT