A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm đến du lịch tâm linh, Di tích lịch sử văn hóa Đền Phja Khao và Đền Tiên Sơn xã Bản Thi

Xã Bản Thi, ở phía Tây của huyện Chợ Đồn, cách trung tâm huyện 24 km, xã có 7 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có một phong tục tập quán, một nét đặc trưng văn hóa truyền thống riêng, song đều có sự ảnh hưởng, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc với nhau. Do đặc điểm xã Bản Thi có địa hình vùng núi cao, địa hình dốc, dân cư thưa thớt, là nơi có mỏ chì kẽm nên dân di cư từ nhiều nơi khác nhau đến làm ăn sinh sống khá đông, nhất là dân tộc Kinh, khi đến sinh sống đã mang theo những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc mình trong đó có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các danh nhân, các vị anh hùng dân tộc và các vị thần...Điển hình cho sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đó của Nhân dân là Đền Tiên Sơn thuộc thôn Hợp Tiến  và Đền Phja Khao thuộc thôn Phja Khao xã Bản Thi, hai Đền cách nhau khoảng 8 km.

Du khách đến du xuân, vãn cảnh, cầu sức khỏe, bình an tại Đền Phia Khao.

Đền Tiên Sơn hay còn gọi là “Tiên Sơn linh từ” có nghĩa là ngôi đền linh thiêng, nằm ở trên một mỏm đồi khá rộng thuộc dãy núi Phja Khao về phía trong khu dân cư thôn Hợp Tiến, cách Ủy ban nhân dân xã khoảng 3km, có độ cao so với mực nước biển khoảng 500m, đền được xây dựng cách đây khoảng 75 năm. Đền thờ mẫu Liễu Hạnh- một trong tứ bất tử của dân gian. Đền Tiên Sơn đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh năm 2002, hiện nay Đền Tiên Sơn là nơi Nhân dân và du khách thập phương thường xuyên đến dâng hương thờ cúng.

Thôn Phja Khao, cách trung tâm xã Bản Thi 11 km, là nơi có khí hậu ôn hòa, trong lành, ấm áp về mùa đông và mát về mùa hè, nhiệt độ trung bình năm là 21,2o c, toàn bộ phía Bắc của xã là vùng đệm thuộc Khu Bảo tồn loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc, nơi có giá trị cao về da dạng sinh học.

Nằm lưng chừng núi ở độ cao khoảng 800m so mới mực nước biển, Đền Phja Khao, thuộc thôn Phja Khao, xây dựng năm 1933, Đây là ngôi đền thờ Đức Thánh Trần (Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn) vị anh hùng dân tộc đã lãnh đạo quân dân Đại Việt 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông thế kỷ thứ 13, sự nghiệp, tài năng và hơn hết là nhân cách của vị Tướng tài đã để lại trong tâm trí của mỗi người dân lòng biết ơn sâu sắc và người đã hóa Thánh trong tâm thức dân gian. Đền mang nét kiến trúc của dân tộc Kinh vùng đồng bằng Bắc Bộ, do tình hình xã hội ở khu vực Bản Thi lúc bấy giờ có số lượng người đến sinh sống rất đông, đại đa số là công nhân mỏ chì kẽm là dân tộc Kinh đến từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, có thể phân ra thành hai thành phần chính đó là các cai mỏ và công nhân mỏ. Cai mỏ được mang theo cả gia đình đến sinh sống tại đây, các gia đình cai mỏ này sống tập trung lâu dần thành làng, theo đó là bản sắc văn hóa, phong tục tập quán,truyền thống đều mang đậm nét của dân tộc Kinh, một trong những phong tục tập quán đó là tục thờ cúng tổ tiên, các danh nhân, các vị thần.... Sau khi Đền được lập lên người dân ở đây đã tổ chức lễ rước về Đền Trần Nam Định để dâng lễ, xin chân nhang, rước ngài về về thờ cúng tại Đền Phja Khao. Từ khi xây dựng đến nay, trải qua những diễn biến lịch sử, ngôi Đền luôn gắn bó với Nhân dân địa phương và du khách thập phương, được người dân bảo vệ, chăm sóc gìn giữ. Đền Phja Khao đã được UBND tỉnh Bắc Kạn xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2017.

Chị Mai Thị Thoa, ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Là du khách năm đầu tiên đến đây nhưng cảm nhận được sự mến khách, thân thiện của địa phương, người trông coi và người dân nơi đây, hơn nữa sự tôn nghiêm, cùng với lịch sử của 2 ngôi Đền và phong cảnh ở nơi đây có một sự cuốn hút đối với du khách nên chị cùng với các thành viên trong đoàn chị mong muốn sẽ được đến đây thêm nhiều lần, có nhiều thời gian hơn để thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây.

Đền Phja Khao và đền Tiên Sơn hiện nay đều là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của Nhân dân trong vùng. Những ngày lễ, tết, người dân, du khách thường hay đến để vãn cảnh, cầu sức khỏe, bình an, cầu tài, cầu lộc, những năm gần đây nhiều du khách thập phương biết đã tìm đến và duy trì điểm đến trong những chuyến du xuân đầu năm.

 Chị Lê Thị Phương, người trông coi Đền Tiên Sơn cho biết: năm nay lượng khách về du xuân ở đền Tiên Sơn khá đông, tăng hơn so với năm trước có cả khách trong tỉnh, ngoài tỉnh, vừa cầu tài lộc, cầu bình an đầu năm, du khách còn tham quan các điểm di tích lịch sử trên địa bàn xã, Ban quản lý di tích cũng đã có sự chuẩn bị chu đáo để phục vụ bà con, du khách du xuân, tạo sự thân thiện, an toàn để thu hút du khách, góp phần vào những định hướng phát triển du lịch của huyện.

Ngoài 2 ngôi Đền trên, xã Bản Thi còn có các di tích lịch sử cách mạng là Nhà máy in tiền của Bộ Tài chính, Xưởng Quân giới, Nha Nghiên cứu Kỹ thuật của Bộ Quốc phòng; Trại trẻ Phja Khao (nơi đặt nền móng đầu tiên của bậc học mầm non), Khu Bảo tồn loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc là những điểm đến du lịch, học tập, nghiên cứu, về nguồn của nhiều du khách.

Người dân nơi đây thân thiện, mến khách. Ẩm thực nơi đây cũng rất đặc biệt., Bản Thi có những món ăn nổi tiếng như: đậu phụ, tào phớ, gà tần, phở chua, khau nhục, chân giò hầm, ngọn su su, quả su su Đến đây, du khách sẽ được thưởng ngoạn phong cảnh núi rừng hùng vĩ tuyệt đẹp, do thiên nhiên ban tặng. Đồng thời hòa nhịp cùng cuộc sống của người dân nơi đây để tham gia các hoạt động như cắm trại, leo núi, hái quả su su, rau rớn, rau rừng, hít thở không khí trong lành, ngắm mây những bông hoa rừng đủ màu sắc sặc sỡ.

Trong những chuyến du xuân đầu năm, du khách hãy chọn cho mình điểm đến Đền Phja Khao, Đền Tiên Sơn ở xã Bản Thi huyện Chợ Đồn để khám phá, trải nghiệm và tham gia du lịch tâm linh, không chỉ mang đến trải nghiệm thú vị về văn hóa, tín ngưỡng mà còn đem lại sự thư thái, an yên cho mọi người đi du xuân hái lộc đầu năm./.

Một số hình ảnh người dân đi lễ đầu năm ở Đền Phja Khao và  Đền Tiên Sơn xã Bản Thi:

 

Tác giả: Hà Tuyết, PVH

 


Tin liên quan