A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ Đồn tiếp tục thực hiện các phương án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất

Để thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển nông nghiệp trọng tâm, huyện Chợ Đồn đã chú trọng xây dựng và thực hiện các đề án, đề tài, phương án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, từng bước giúp người dân xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả và bền vững.

 Năm 2023, huyện Chợ Đồn tiếp tục triển khai các đề án, đề tài, phương án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo kế hoạch như: Đề tài khoa học & công nghệ “Nghiên cứu và phát triển cây Đào Toáng tại xã Nam Cường; Đề án khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, ngựa và phát triển trâu bò sinh sản giai đoạn 2021-2025; phương án hỗ trợ sản xuất Lúa chất lượng cao theo quy trình hữu cơ; Phương án hỗ trợ phát triển cây chè hoa vàng giai đoạn 2023 – 2026; Phương án hỗ trợ bảo tồn cây chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Bằng Phúc  giai đoạn 2023 – 2025; Phương án hỗ trợ phát triển cây đậu tương trên địa bàn huyện Chợ Đồn, giai đoạn 2022-2026,…

 Đánh giá cây thực trạng cây Đào toáng tại xã Nam Cường ( Ảnh nguồn Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn).

Đối với Đề tài “Nghiên cứu và phát triển cây Đào toáng tại xã Nam Cường, ngày 16 tháng 3 năm 2023, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chợ Đồn đã tổ chức Hội thảo đề tài, qua điều tra đánh giá thực trạng cây Đào toáng tại xã Tân Lập, Nam Cường với 60 hộ được khảo sát cho thấy có 31 hộ có cây Đào Toáng đang sinh trưởng phát triển, với tổng số 91 cây từ 3 đến trên 15 năm tuổi, số hộ được khảo sát có nhu cầu trồng cây Đào toáng 46 hộ/60 hộ. Chọn lọc để cải tạo 40 cây đào sinh trưởng phát triển tốt; lập hồ sơ đề nghị Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bắc Kạn công nhận được 06 cây đầu dòng để khai thác cành ghép nhân giống để trồng mới diện tích 3,0 ha, cây đào sinh trưởng phát triển tốt; sau trồng 02 năm cây đào đã ra nhiều hoa và đậu quả bói. Hàng năm, đơn vị chủ trì cung ứng vôi, phân vô cơ, dụng cụ kéo bấm tỉa cành và hướng dẫn các hộ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây Đào toáng đúng theo tiến độ, kế hoạch.

Đề án khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, ngựa và phát triển trâu bò sinh sản giai đoạn 2021-2025 số trâu, bò hỗ trợ thực hiện đề án là 137 con, bắt đầu thực hiện từ tháng 10/2022, đến nay đã phát triển được 64 bê nghé, tổng đàn hiện có là 200 con. Chăn nuôi vỗ béo duy trì nuôi 87 con trâu, bò ngựa, hiện nay huyện tiếp tục khảo sát điều kiện các hộ đăng ký thực hiện Đề án năm 2023.

Đối với phương án hỗ trợ sản xuất Lúa chất lượng cao theo quy trình hữu cơ triển khai trên địa bàn huyện đã từng bước thay đổi nhận thức và kỹ thuật sản xuất cho người nông dân, tạo sự dịch chuyển từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới có áp dụng khoa học công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2023 diện tích thực hiện 13,22 ha/20 ha KH, đạt 66%, hiện nay lúa phát triển bình thường, xuất hiện bệnh đạo ôn lá đã cấp thuốc Bảo vệ thực vật sinh học cho các hộ phun phòng, trừ bệnh.

Ông Dương Văn Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng cho biết: là địa phương đang thực hiện phương án hỗ trợ sản xuất Lúa chất lượng cao theo quy trình hữu cơ, cơ bản người dân đồng tình ủng hộ phương án này, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện chăm sóc lúa theo quy trình hướng dẫncủa ngành chuyên môn đảm bảo đạt hiệu quả về năng suất, chất lượng.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện kiểm tra lúa trồng theo quy trình hữu cơ tại xã Đồng Thắng.

Phương án hỗ trợ phát triển cây chè hoa vàng giai đoạn 2023 - 2026 diện tích đăng ký thực hiện năm 2023 là 7,3 ha.  Phương án hỗ trợ bảo tồn cây chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Bằng Phúc giai đoạn 2023 – 2025 đang thực hiện theo kế hoạch. Phương án hỗ trợ phát triển cây đậu tương, giai đoạn 2022-2026 diện tích đăng ký thực hiện vụ xuân năm 2023 là 3,41ha tại xã Nam Cường.

Ông Hoàng Văn Hỷ, Chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết: là địa phương thuộc 03 xã trên địa bàn huyện (Bình Trung, Nghĩa Tá, Đồng Thắng) thực hiện phương án hỗ trợ phát triển cây chè hoa vàng giai đoạn 2023-2026 đã được HĐND huyện thông qua từ tháng 7/2022, xã đã phối hợp với đơn vị chuyên môn tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Thực hiện có hiệu quả phương án sẽ là điều kiện thuận lợi để hình thành vùng trồng tập trung, xây dựng mối liên kết tiêu thụ từ hoa, lá, quả có thu nhập ổn định, góp thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.

 Mặc dù mức hỗ trợ kinh phí của mỗi đề án không lớn, song bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện, tạo việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân. Từ chính sách, cơ chế hỗ trợ hợp lý, đúng đối tượng, phù hợp với điều kiện canh tác và sản xuất của người dân, huyện Chợ Đồn mong muốn sẽ từng bước phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện.

Tác giả: Nông Đuổng

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật