|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ Đồn nhìn lại kết quả 5 năm thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” OCOP

Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (One Commune One Product - OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị đầu tiên được Việt Nam triển khai trên toàn quốc từ năm 2018 tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.  Chương trình là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, ra đời nhằm thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt khu vực nông thôn. Theo đó, trọng tâm chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.

 Thu hoạch quả hồng không hạt sản phẩm OCOP ở thôn Khuổi Vùa, xã Quảng Bạch.

Ngay sau khi Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 08/4/2021 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về tăng cường công tác  lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” và văn bản số 3188/UBND-NNTNMT ngày 13/6/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TU về việc tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo thực hiện Đề án "Mỗi xã phường một sản phẩm" được ban hành, UBND huyện Chợ Đồn đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình, trong đó cụ thể hoá mục tiêu, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, đồng thời thành lập Hội đồng xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, thành lập Tổ tư vấn giúp việc cho Hội đồng đánh giá. Hội đồng luôn sát sao trong việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, kết quả xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP hàng năm của huyện luôn đạt vượt kế hoạch.

Công tác tuyên truyền quảng bá, được huyện quan tâm chỉ đạo, thông qua các hoạt động động chợ đêm ATK gắn với tổ chức các sự kiện của địa phương, thường xuyên đăng tải các tin, bài, phóng sự, hình ảnh phản ánh về hoạt động xây dựng sản phẩm OCOP. Cổng thông tin điện tử huyện xây dựng riêng chuyên mục giới thiệu sản phẩm OCOP. Toàn huyện có 07 chủ thể OCOP có website riêng (01 Công ty, 01 Hộ kinh doanh và 05 Hợp tác xã), huyện đã đầu tư xây dựng điểm bán hàng OCOP của huyện, đồng thời chỉ đạo, tạo điều kiện, hướng dẫn các chủ thể tham gia các hoạt động văn hóa, ẩm thực, quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm nông sản OCOP và các sự kiện thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

 Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP tại Hội chợ thương mại.

Từ năm 2019 đến năm 2023, số ý tưởng sản phẩm dự kiến tham gia có 80 ý tưởng/sản phẩm, số đăng ký thực tế 64 sản phẩm, trong đó đăng ký mới 54 sản phẩm, đăng ký nâng cấp 10 sản phẩm. Đến nay huyện Chợ Đồn đã 31 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 28 sản phẩm đạt 3 sao.

Trong 5 năm qua đã có 25 chủ thể tham gia Chương trình OCOP, trong đó, 01 Công ty TNHH, 15  Hợp tác xã, 01 Tổ hợp tác, 08 Hộ sản xuất - kinh doanh. Tổng vốn điều lệ của các chủ thể sản xuất ước tính hơn 13.500 triệu đồng, vốn huy động sản xuất 9.450 triệu đồng. Tổng số lao động tham gia sản xuất tại các cơ sở, chủ thể sản xuất là 135 người. Huyện đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân  chủ thể tham gia  các chương trình tập huấn, qua đó các chủ thể nâng cao được trình độ quản lý, xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì tốt hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm điển hình như Công ty TNHH PTNN và CBDL Ngọc Thắng; HTX Hồng Luân; HTX rượu men lá Thanh Tâm; HTX rượu men lá Bằng Phúc; HTX An Bình; HTX Hoà Thịnh; HTX TM&DV Toàn Dân

Để duy trì phát triền bền vững các sản phẩm đã được đánh giá, đối với việc hoàn thiện nâng cấp các sản phẩm đã có, huyện tập trung vào các sản phẩm có truyền thống lâu đời như chè Shan tuyết, rượu men lá, hồng không hạt, măng khô…và các sản phẩm có thế mạnh đặc sản vùng miền được người tiêu dùng ưa chuộng như chân giò hầm, bún khô, bánh phở khô, thị lợn rừng lai, trà hoa vàng…Đồng thời khuyến khích, đầu tư phát triển các sản phẩm mới như nhóm thực phẩm và đồ uống, được chế biến tiện lợi cho người sử dụng, hiệu quả chất lượng cao, giá cả phù hợp như trà hoa vàng túi lọc…

Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo quy định hiện hành như An toàn vệ sinh thực phẩm, truy suất nguồn gốc, mã số, mã vạch được các chủ thể thực hiện theo quy định. Mỗi năm huyện thực hiện 02 đợt kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm tại cơ sở, để hướng dẫn, tư vấn cho các xã lựa chọn các sản phẩm chủ lực của địa phương tham gia chương trình OCOP, hướng dẫn các chủ thể kinh tế hoàn thiện phiếu đăng ký sản phẩm, tổ chức sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại quảng bá giới thiệu sản phẩm. Từ đó các chủ thể tham gia chương trình OCOP đều chủ động trong sản xuất kinh doanh và hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. Chất lượng sản phẩm đã được chuẩn hóa theo các quy định, quy chuẩn của nhà nước.

Tổng doanh thu trung bình của các sản phẩm 505 triệu đồng/năm; trong đó: 200 triệu đồng/năm 2018; 260 triệu đồng/năm 2019; 340 triệu đồng/năm 2020; 450 triệu/năm 2021; 550 triệu đồng/năm 2022; 725 triệu đồng/năm 2023. Doanh số bán ra và lợi nhuận thu được/năm tăng khoảng 30% so với thời điểm chưa tham gia OCOP. Các sản phẩm đều có truy xuất nguồn gốc bằng mã số mã vạch; có 11 sản phẩm đã gửi đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; 15 sản phẩm có liên kết trong sản xuất. Công tác xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm được quan tâm, khoảng 50% sản phẩm có liên kết sản xuất để tạo vùng nguyên liệu tại chỗ. Thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm chủ yếu tại thị trường trong huyện, trong tỉnh và một số sản phẩm xuất bán thị trường ngoài tỉnh như Hà Nội, Thái Nguyên…Để khuyến khích các chủ thể tham gia chương trình OCOP, huyện đã huy động từ nhiều nguồn. Tổng ngân sách hỗ trợ cho Chương trình OCOP (2018-2023) 2.462,72 triệu đồng. Trong đó nguồn từ CT MTQGXD NTM: 1.200 triệu đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ: 190 triệu đồng, ngân sách huyện: 1.072,72 triệu đồng

Ông Đặng Đình Phong Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ khi triển khai chương trình OCOP, nhận thức của người dân cũng được thay đổi, đây là một chương trình phát triển kinh tế tại địa phương phát huy nội lực, tài nguyên sẵn có của địa phương để sản xuất hàng hóa. Cơ bản các chủ thể tham gia chương trình OCOP đều chủ động trong sản xuất kinh doanh và hoàn thiện hồ sơ, chất lượng sản phẩm, vì vậy mà hàng năm huyện Chợ Đồn đều thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.Chất lượng sản phẩm được chuẩn hóa theo các quy định, quy chuẩn của nhà nước, chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất ngày càng được nâng cao và phải khẳng định rằng chương trình OCOP đã có đóng góp và tác động tích cực đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao thu nhập và hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất.

 Sản phẩm OCOP Trà hoa vàng.

Theo báo cáo đánh giá của cơ quan chuyên môn phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thì trong thời gian tới huyện Chợ Đồn tiếp tục duy trì các sản phẩm được cấp tỉnh xếp hạng 3 sao trở lên, phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 phát triển thêm ít nhất 10 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao cấp tỉnh. Đối với định hướng chiến lược phát triển sản phẩm và dịch vụ OCOP, dự kiến tập trung vào các trục sản phẩm cấp tỉnh, cấp huyện như hồng không hạt, chè Shan tuyết, măng khô, gạo bao thai và các sản phẩm chế biến từ gạo bao thai (bún, phở khô), trà hoa vàng…quy hoạch, đầu tư thành các vùng sản xuất tập trung sản phẩm quy mô cấp huyện như định hướng vùng trồng hồng không hạt tại các xã khu Bắc Chợ Đồn (Quảng Bạch, Tân Lập, Đồng Lạc); vùng trồng chè Shan tuyết tập trung tại xã Bằng Phúc và các xã lân cận; vùng trồng lúa bao thai trên tất cả các xã; vùng trồng cây chè hoa vàng tại các xã khu Nam (Nghĩa Tá, Lương Bằng, Bình Trung), phấn đấu mỗi năm thành lập mới ít nhất 01 HTX có từ 01 HTX tham gia Chương trình mỗi năm.

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, huyện rất cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm hoàn thiện các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, tích cực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm đã đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cần có các dự án chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực chế biến và bảo quản thực phẩm, dược liệu.

 Trên cơ sở kết quả 5 năm qua, để chương trình OCOP phát triển bền vững, huyện tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, tăng cường sự phối hợp, vào cuộc của các cấp chính quyền đặc biệt là UBND xã, thị trấn trong công tác tuyên truyền vận động người dân hiểu và tham gia khai thác thế mạnh của địa phương, hình thành phát triển sản phẩm OCOP, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đã được công nhận, bố trí nguồn lực đủ mạnh để hỗ trợ trực tiếp cho các chủ thể đầu tư trang thiết bị máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Các chủ thể cần chủ động trong việc duy trì các sản phẩm đã được công nhận, tìm hướng đi trong việc xây dựng các sản phẩm mới phát huy nội lực sẵn có của địa phương, của bản thân để duy trì phát triển sản phẩm một cách bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.

 Tác giả: Hà Tuyết- PVH&TT

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật