A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ Đồn đẩy mạnh tuyên truyền ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện có giảm nhưng vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Để giảm thiểu vấn nạn này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, bước đầu mang lại hiệu quả, trong đó, tập trung đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức trong Nhân dân được coi là giải pháp quan trọng.

Đồng chí Ma Doãn Kháng- Ủy viên BTV huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh trao giải cho các đội thi Trường PTDT Bán trú THCS Xuân Lạc.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vấn nạn lớn của xã hội, một trở ngại lớn đối với sự phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bắc Kạn nói chung và huyện Chợ Đồn nói riêng. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy nặng nề đối với các cá nhân, gia đình và xã hội; trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, dân số, giáo dục, chăm sóc trẻ em và là một trong những lực cản đối với sự phát triển tiến bộ xã hội.

Hiện nay, tình trạng tảo hôn còn khá phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để hạn triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”, Văn phòng HĐND&UBND huyện Chợ Đồn xây dựng Kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 2 giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong
vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Dự án 9, năm 2023.

Theo ông Chu Văn Triều, Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện, tính riêng năm 2022 toàn huyện đã có 18 cặp tảo hôn, tập trung ở các xã Xuân Lạc, Nam Cường, Bình Trung, Tân Lập và một số địa phương khác. Nguyên nhân của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được xác định: phong tục tập quán lạc hậu; trình độ dân trí thấp, sự hiểu biết ý thức chấp hành pháp luật hạn chế; ảnh hưởng bởi nền kinh tế thị trường; công tác tuyên truyền giáo dục chưa hiệu quả, các chế tài pháp luật chưa đủ sức răn đe; sự can thiệp của chính quyền địa phương còn chưa mạnh mẽ và vai trò của MTTQ, các tổ chức đoàn thể quần chúng còn thiếu chủ động… Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật và tiếp cận phương tiện truyền thông của người dân còn nhiều hạn chế. Tình trạng học sinh bỏ học đã tác động một phần làm gia tăng tình trạng tảo hôn. Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì kết hôn sớm do nhu cầu về lao động là rất lớn.

UBND huyện phối hợp tổ chức Hội thi tìm hiểu về Luật hôn nhân và gia đình, kiến thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại trường học.

Để từng bước tiến tới giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các cấp, ngành trên địa bàn huyện đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân được coi là giải pháp trọng tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Cụ thể trong năm 2023, triển khai Tiểu dự án 2 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Dự án 9 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2023, huyện tập trung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống như: Luật hôn nhân và Gia đình, Luật trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Dân số và Gia đình... nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và ngăn ngừa, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, với nội dung Hội thi tìm hiểu về Luật hôn nhân gia đình, kiến thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bình đẳng giới thông qua các buổi ngoại khóa, sân khấu hóa thi “Rung chuông vàng” tại các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở trên địa bàn huyện đã góp phần nâng cao nhận thức của các em học sinh về các quy định của pháp luật liên quan tới lĩnh vực hôn nhân và gia đình; thực trạng, hậu quả của vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 

Trực tiếp tham gia và dành được chiếc vòng nguyệt quế tại Hội thi “Rung chuông vàng” em Trương Thanh Tuyền, lớp 9,  trường TH&THCS Đồng Thắng, chia sẻ: những kiến thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống rất thiết thực, ý nghĩa và là sân chơi bổ ích với lứa tuổi học sinh THCS; sau Hội thi này, em sẽ tiếp tục tuyên truyền cho mọi người trong gia đình, các bạn cùng trang lứa, nhất là các bạn dân tộc thiểu số để không còn những trường hợp vi phạm Luật hôn nhân và gia đình….

Các em học sinh sôi nổi với phần thi "Rung chuông vàng" tìm về Luật hôn nhân và gia đình, kiến thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Bên cạnh đó, huyện chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, thành lập các Câu lạc bộ, các nhóm Nòng cốt… Ngoài ra, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người có uy tín, già làng, trưởng bản và công chức, viên chức các xã, thị trấn trong thực hiện phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đôn đốc cộng tác viên Dân số - Kế hoạch hóa gia đình bản theo dõi, báo cáo những trường hợp có ý định kết hôn cận huyết thống và tảo hôn để kịp thời ngăn chặn; Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư theo hướng tiến bộ, từng bước đẩy lùi, xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội…

Tiểu phẩm tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của Trường PTDT Bán trú THCS Xuân Lạc.

Để tiếp tục giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thời gian tới, huyện tích cực phát triển các mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các cơ sở. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn vào hương ước, quy ước thôn bản, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa; thực hiện có hiệu quả các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; tham mưu, bổ sung, hoàn thiện các chính sách liên quan đến giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Với nhiều biện pháp tích cực, hy vọng, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết sẽ từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi.

Tác giả: Thu Thúy

 

 

 

 

 

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật