Cán bộ Trạm y tế xã Xuân Lạc tư vấn, truyền thông kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản.
Xã xuân Lạc là một xã vùng cao của huyện Chợ Đồn, đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, chiếm 56,6%, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 70%. Trước đây, do trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế, đường sá đi lại khó khăn nên việc tiếp cận thông tin cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS) của người dân còn rất hạn chế, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thường xuyên xảy ra; phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không được hướng dẫn chăm sóc SKSS dẫn đến mắc một số bệnh sản khoa; trẻ không được quan tâm chăm sóc ngay từ trong bụng mẹ, đến khi chào đời dẫn đến còi cọc, suy dinh dưỡng; các cặp vợ chồng không được tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình dẫn đến tình trạng sinh con ngoài ý muốn, đã nghèo lại thêm nghèo. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của từng hộ dân, kéo theo những hạn chế trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội của địa phương. Tuy nhiên, theo báo cáo của cán bộ Trạm y tế xã Xuân Lạc, mấy năm trở lại đây tỷ lệ chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến khám phụ khoa ngày một tăng, đạt trên 70% mỗi năm; tỷ lệ chị em phụ nữ đến khám thai định kỳ và đến sinh đẻ tại cơ sở y tế đạt trên 90%. Qua các hoạt động truyền thông, xã cũng đã đạt được những tiêu chí cơ bản trong công tác dân số, KHHGĐ, đặc biệt là nâng cao chất lượng cuộc sống của chị em phụ nữ vùng cao.
Anh Ngô Văn Chung, nhân viên y tế thôn Tà Han, xã Xuân Lạc cho biết: Nhiều năm trước tình trạng các cháu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống luôn xảy ra, trong công tác truyền thông của các cán bộ y tế tỉnh, huyện, xã hiện tình trạng kết hôn không đủ tuổi giảm dần và từ đầu năm 2024 đến nay, thôn không còn phát hiện trường hợp nào tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đối với tình trạng sinh con tại nhà, được các cán bộ y tế thường xuyên nắm bắt, lập danh sách từng bà mẹ đang mang thai, nên đến nay tình trạng sinh con tại nhà đã không còn.
Đồng chí Dương Văn Hầu – Bí thư Chị bộ thôn Pù Lùng II, xã Xuân Lạc, cho biết thêm: Chi bộ đã ra Nghị quyết tuyên truyền lồng ghép tại các buổi họp thôn, truyền thông cho bố mẹ có con chưa đủ tuổi để giảm bớt tình trạng tảo hôn; tuyên truyền, vận động cho nhân dân không sinh đẻ tại nhà, phụ nữ nếu có thai phải đi khám sức khoẻ định kỳ, đúng ngày đẻ phải đến các cơ sở y tế để sinh đẻ.
Chị em phụ nữ đồng bào dân tộc Mông thôn Lũng Noong, xã Nam Cường chia sẻ kiến thức chăm sóc trẻ nhỏ.
Không chỉ tại xã Xuân Lạc, tại các thôn, bản vùng cao khác của huyện Chợ Đồn, từ việc thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông giáo dục sức khỏe của cơ quan chuyên môn, sự phối hợp tuyên truyền của các ban, đoàn thể các địa phương đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe sinh sản chị em phụ nữ. Theo kết quả của Trung tâm y tế huyện, năm 2023, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 15 - 49 tuổi có chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 67%; Tỷ lệ sàng lọc trước sinh: ≥35%; Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh: ≥54%; Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn: 48 %. Tỷ lệ người cao tuổi tuổi được khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 01 lần/năm đạt ≥ 80%, được lập hồ sơ theo dõi sức khoẻ đạt 90%.
Tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, huyện Chợ Đồn sẽ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các tổ chức, đoàn thể trong công tác chỉ đạo, điều hành; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, các lực lượng trong công tác tuyên truyền; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong các vận động quần chúng để thực hiện tốt việc truyền thông thay đổi nhận thức, xóa bỏ các quan niệm, hủ tục lạc hậu.
Tập trung truyền thông tại các xã có đông đồng bào DTTS có hiện tượng tảo hôn, kinh tế còn khó khăn, điều kiện giao thông không thuận lợi; thúc đẩy sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc trẻ nhỏ trong mỗi gia đình và cả cộng đồng tham gia ủng hộ các hoạt động, các chương trình dân số triển khai tại địa phương.
Tác giả: Nông Đuổng